
Công trình như một dải lụa mảnh vắt ngang mặt nước lấp lánh gợn sóng, mênh mông tưởng như không có giới hạn, cùng những rặng phi lao xanh rì đung đưa bên bờ. Bạn có thể đi dạo trên cầu, hít thở bầu không khí trong lành và hòa mình vào không gian bao la, hùng vĩ mà vẫn trữ tình, yên bình.
Cầu còn được biết đến với cái tên cầu Miếu Ông Cọp hay cầu Bình Thạnh. Đây là một công trình nằm ngang dòng sông Phú Ngân thơ mộng. Cây cầu gỗ độc đáo này là nút giao thông nối liền các thôn phía bắc của xã An Ninh Tây (Huyện Tuy An) với phường Xuân Đài (thị xã Sông Cầu). Nơi này chỉ cách thành phố Tuy Hoà hơn 35km nên đường đi đến cũng không quá phức tạp, bạn có thể tham khảo chỉ dẫn trên Google Map. Từ trung tâm, bạn đi theo hướng đường Lê Duẩn tới cây xăng thì rẽ phải, qua cầu An Hoà, nhập đường quốc lộ 1A và đi thêm 100m nữa là tới nơi.


Nguồn gốc của cái tên cầu gỗ Ông Cọp cũng vô cùng thú vị, gắn liền với một câu chuyện tràn ngập nghĩa tình giữa con người và động vật. Tương truyền, trên núi Mỹ Dựa khi xưa thường hay xuất hiện một đàn cọp con nào cũng dữ tợn, trong đó thủ lĩnh là ông Cọp Bạch. Vào một đêm bà Cọp trở dạ khó sinh, ông Cọp liền xuống núi và gõ cửa nhà của bà mụ xóm Đồng Đỏ, người vốn nổi tiếng khắp vùng là đỡ đẻ vô cùng mát tay. Sau khi giúp gia đình nhà cọp mẹ tròn con vuông, ông Cọp đưa bà mụ trở về làng và vài hôm sau mang xuống tận nơi một con lợn rừng ý để báo ân.
Sau này, bà mụ chuyển xuống sinh sống và lập nghiệp tại làng biển Phú Hạnh, dưới chân núi Hòn Bù, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Đến khi bà qua đời, ông Cọp vẫn xuống núi viếng mộ vào cuối tháng chạp hằng năm, thường nằm buồn nản dưới chân núi Mỹ Dự rồi được một thời gian thì cũng chết. Nhiều người cảm động trước tình nghĩa đó nên khi biết tin ông Cọp mất liền lập miếu để thờ sinh vật biết quý trọng ân nhân, suy nghĩ tình cảm không kém gì con người này. Khi cây cầu được xây nên, dân cư trong khu vực cũng lấy luôn tên miếu đặt cho công trình.



Đầu cầu gỗ ông Cọp phía Xuân Đài có một căn nhà gỗ đơn sơn được dựng làm điểm thu phí qua cầu: 1.000 đồng / người đi bộ, 3.000 đồng / xe máy và thêm hàng hoá là 5.000 đồng. Mỗi lần vào mùa mưa và mực nước dâng cao, người dân sẽ tháo bớt một nhịp cầu để tiến hành tu sửa, và nguồn thu từ phí qua cầu chính được sử dụng cho mục đích này.
Theo kinh nghiệm tham quan cầu Ông Cọp Phú Yên, bạn nên đến đây vào mùa khô, khoảng từ tháng 1 đến tháng 9 hằng năm. Lúc này trời ít khi có mưa, mặt nước yên ả, bầu trời trong xanh rất thích hợp để bạn tham quan, ngắm cảnh và chụp cho mình những bức hình check in sống ảo đẹp long lanh.
Đặc biệt bạn không nên tới đây vào mùa mưa lũ, khoảng tháng 10, 11 hằng năm. Vì khi mực nước dâng cao, người dân sẽ tháo bớt đi một nhịp cầu và tiến hành tu sửa khi nước lũ rút. Nguồn thu từ việc bán vé cũng được sử dụng cho mục đích này.


