Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tối 15/9 (giờ Việt Nam), hai khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam là Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) đã chính thức được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trong khuôn khổ cuộc họp của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển (CIC-MAB) đang diễn ra từ ngày 13 - 17/9 tại Nigeria, 22 khu dự trữ của 20 nước và nhóm nước đã được đưa ra xem xét để công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hai khu sinh quyển ở Việt Nam là Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận và Kon Hà Nừng của tỉnh Gia Lai đã được chính thức ghi danh trong dịp này, nâng số lượng các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam lên tổng số 11.
Theo bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và khoa học Liên hợp quốc (UNESCO), Việt Nam là nước duy nhất có hai hồ sơ được thông qua ngay từ vòng đầu tiên xét duyệt và như vậy sau 6 năm, Việt Nam có thêm Khu dự trữ sinh quyển mới được ghi danh tầm thế giới. Nhân dịp này, CIC-MAB cũng đã xem xét báo cáo định kỳ 10 năm công tác quản lý và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ và Cù Lao Chàm - Hội An. Các báo cáo này đã nhận được sự đánh giá cao của hội đồng.
Một trong những điểm đặc biệt của Vườn quốc gia Núi Chúa là khu vực này có khí hậu khô nóng không kém nhiều nơi ở châu Phi (nhiệt độ cao nhất xấp xỉ 42 độ C). Vì vậy, nơi đây còn được biết đến với cái tên “Rừng khô Phan Rang”. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình đa dạng đã tạo nên một mẫu chuẩn của hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Chạy dọc tuyến đường ven biển đẹp như dải lụa, qua những khúc cua, dốc mềm mại, ngắm nhìn khung cảnh nguyên sơ xanh mát của rừng, của biển, chúng tôi mới hiểu vì sao Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa lại được ví như là “lá phổi xanh”. Điểm độc đáo là nơi đây hội tụ đủ các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình tạo nên hệ sinh thái khô hạn đặc trưng không chỉ ở Việt Nam mà cả vùng Đông Nam Á. VQG Núi Chúa nổi lên như một “viên ngọc” giữa lòng sa mạc với biển xanh, cát trắng, san hô đầy màu sắc cùng với những hang động kỳ vĩ.
VQG Núi Chúa là nơi giao hòa của cả ba không gian: rừng, biển và bán sa mạc với hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có tầm quan trọng quốc tế như: Voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc, với các dải san hô và là nơi rùa biển hàng năm về đẻ trứng. Hệ thực vật rừng bao gồm 1.514 loài, trong đó có 54 loài thực vật được xếp hạng bị đe dọa trong Danh lục đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam.
Khu hệ động vật VQG Núi Chúa có 766 loài, trong đó 353 loài động vật có xương sống và 413 loài côn trùng. Có 60 loài động vật quý hiếm, trong đó có 48 loài động vật đang nằm trong nguy cơ tuyệt chủng theo Sách đỏ Việt Nam và 34 loài có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu. Hệ sinh thái biển đặc trưng là các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, vùng triều và rừng ngập mặn. Đặc biệt, có sự hiện diện và phân bố rộng của các rạn san hô rất phong phú và đa dạng về hình thái và cấu trúc trên khoảng 2.300 ha với 310 loài san hô, có nhiều loài lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam...
Vùng biển Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi trên đất liền có rùa biển lên đẻ trứng hằng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Về cảnh quan, điểm thú vị nhất ở VQG Núi Chúa có lẽ là “hồ treo” trên vách núi đá, quanh năm có nước trong xanh và nhiều động, thực vật sinh sống. Vào mùa mưa, khi màu xanh của thảm thực vật bao trùm, những vỉa đá nổi lên trên mặt nước như những hòn non bộ. Công viên đá của VQG Núi Chúa là nơi giao hòa giữa biển, núi, đất, trời; là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với hàng nghìn tảng đá xếp chồng lên nhau, thách thức thời gian. Dưới chân núi, bãi Thịt là nơi duy nhất ở đất liền của Việt Nam có các loài rùa biển tìm đến đẻ trứng như rùa xanh, đồi mồi, đồi mồi dứa.
Nằm trong khu vực VQG Núi Chúa, biển Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy tựa như viên ngọc quý với làn nước xanh trong. Đi trên cung đường ven biển, phóng tầm mắt có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh biển trời trong lòng những dãy núi. Khu bảo tồn biển Vĩnh Hy là nơi có rạn san hô đẹp và đa dạng nhất Việt Nam với trên 300 loài phong phú về hình dáng, màu sắc. Một sắc thái khác của san hô cũng có thể được tìm thấy ở Hang Rái. Nơi đây được ví là thác trên biển duy nhất ở du lịch Việt Nam. Vào lúc bình minh, dòng nước biển đổi màu một cách diệu kỳ theo ánh mặt trời, bên những vách núi cheo leo nổi bật giữa nền trời xanh ngắt…
Với việc UNESCO chính thức công nhận hai khu sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng, Việt Nam đã có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đó là các khu dự trữ sinh quyển :
1. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000).
2. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2001).
3. Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng (2004).
4. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004).
5. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (2006).
6. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (2007).
7. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (2009).
8. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009).
9. Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (Đà Lạt) (2015).
10. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) (2021)
11. Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng (Gia Lai) (2021).