Nói đến hoa và kiểng, người ta không thể không nghĩ đến địa danh Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Gần một trăm năm qua, nơi đây nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng hoa kiểng, cây cảnh truyền thống. Từ làng hoa Tân Quy Đông ngày nào cho đến khi trở thành thành phố hoa Sa Đéc hôm nay là một chặng đường dài, ghi dấu biết bao sự đổi thay và những công lao của các bậc tiền nhân mở nghiệp với nghề trồng hoa kiểng.
Theo quy luật của tự nhiên, xuân về là muôn hoa đua nở. Điều này dễ nhận thấy khi đến làng hoa Sa Đéc vào dịp đầu xuân, với nhà nhà đều trồng hoa, mọi nẻo đường đều ngập tràn muôn hoa khoe sắc. Nhiều người cho rằng, nơi mùa xuân đến sớm nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là làng hoa này. Từ đây, những hương xuân của làng hoa sẽ lan tỏa khắp nơi, tạo nên sắc xuân đặc thù của vùng sông nước.
Làng hoa Sa Đéc được hình thành và phát triển từ năm 1930 và được biết đến là ông Dương Hữu Tài hay còn gọi là Tư Tôn. Khởi nguồn chỉ có vài hộ trồng hoa để trang trí Tết, về sau, thấy hoa hợp đất, bông nở đẹp… Trước đây, làng hoa Sa Đéc chỉ kinh doanh theo mô hình cha truyền con nối, chưa được đầu tư đúng mức. Khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập, các vườn hoa nơi đây đã được đầu tư cơ sở hạ tầng; bổ sung nhiều giống hoa quý hiếm, mới lạ; xây dựng trung tâm lai tạo nhân giống; lập chợ đầu mối để tiêu thụ hoa cảnh... Đến nay, tổng diện tích trồng hoa là hơn 510ha, với trên 2.300 hộ dân, 2.000 loài hoa khác nhau, trở thành một trong những vựa hoa cảnh lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam.
Làng hoa Sa Đéc là nơi cung cấp số lượng lớn cây và hoa kiểng chơi Tết cho các tỉnh miền Tây, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Cứ đến mùa thu hoạch, đặc biệt là khi Tết đến, xuân về, không khí làng hoa lại trở nên nhộn nhịp, hối hả. Các loại hoa sẽ được tập trung ở cạnh sông Sa Đéc rồi vận chuyển đi khắp muôn nơi bằng xe tải hoặc thuyền.
Dịp Tết Nhâm Dần năm nay, ngoài những loại có sức mua lớn như cúc lùn, mâm xôi, đỗ quyên… làng hoa Sa Đéc còn tăng cường trồng thêm nhiều giống mới, lạ như mai vàng, cúc, hồng, vạn thọ… hoặc những loại hoa có màu sắc tươi tắn, tượng trưng cho niềm tin, hy vọng như hồng nhung, hồng ngọc, cẩm chướng, lily… Ngoài ra, các nhà vườn cũng trồng thêm một số loại cây cảnh như phát tài, vạn lộc, phúc lộc, phú quý, đô la, ngân lượng… để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Làng Tân Quy Đông nằm cạnh vành đai tuyến tỉnh lộ của thị xã Sa Đéc, 4 mùa luôn được phủ bởi những thảm hoa rực rỡ. Hoa ở đây nở quanh năm với trăm hồng, nghìn tía được chuyển đi khắp nơi trên toàn quốc, có mặt cả Festival hoa Đà Lạt và còn xuất khẩu ra nước ngoài… Điều này chứng tỏ nghệ thuật hoa kiểng ở Tân Quy Đông có bề dày truyền thống và có cơ sở xã hội sâu rộng được đông đảo khách hàng ưa chuộng.
Kiểu làm vườn với những khóm hoa được trồng sẵn trong chậu đặt trên giàn cao, bên dưới có thể là những rãnh nước là nét đặc trưng chỉ thấy ở làng hoa nổi tiếng này. Hoa được trồng và bán theo chậu với loại đất được sản xuất từ xơ dừa vốn là sản phẩm luôn sẵn có tại đây nên luôn giữ được nét tươi tắn và rực rỡ. Rất nhiều các loài hoa được bàn tay của những người nông dân cần cù nơi đây chăm sóc để ra hoa đúng dịp tết, từ đó đổ đi Sài Gòn và khắp các tỉnh Nam Bộ phục vụ nhu cầu chơi hoa của người dân trong dịp tết nguyên đán.
Nằm ở phía nam của sông Tiền, làng hoa Sa Đéc còn mang những nét đặc trưng của Nam Bộ với sự nhộn nhịp giao thương trên mặt nước. Hàng ngày, từng đoàn ghe tàu cập bến chuyển hoa và cây cảnh đi khắp nơi cho đến tận khi chiều tắt nắng làm nên một hình ảnh vô cùng yên bình và đầy chất thơ.
Nằm lọt giữa những vườn hoa đôi khi là những ngôi nhà cổ kính hàng trăm năm tuổi với nét đặc trưng Nam Bộ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, thú vị. Người dân nơi đây hiền lành dung dị, bất cứ du khách nào cũng có thể nhận được sự chỉ dẫn nhiệt thành và có những trải nghiệm đầy thân thiện.
Bài viết: Minh Tuệ
Ảnh: Nguyễn Văn Luận