Thái Bình tên gọi quen thuộc và thân thương với rất nhiều người. Thế nhưng lại rất ít ai biết rằng, quê hương Thái Bình cũng có rất nhiều điều thú vị để chờ đợi chúng ta khám phá.

Nơi đây không chỉ nổi tiếng với danh xưng “quê hương 5 tấn”, với những bãi du lịch nổi tiếng như bãi biển Đồng Châu, bãi biển Quang Lang... mà còn mang một nét đẹp riêng biệt, mộc mạc ít người biết đến của người dân ở bến cá Tân Sơn. Đó là nét đẹp bình dị nhưng không kém phần thu hút được toát ra từ cuộc sống lao động chân chất, hiền hòa của người dân nơi đây.

Tất cả những khoảnh khắc tuyệt vời ấy đều được ghi lại qua đôi mắt nghệ thuật của người thầy giáo kiêm nhiếp ảnh gia Tô Quang Mạnh.

Sáng bình minh khi mặt trời ló rạng là lúc cảng cá chuyển mình thay một chiếc áo mới màu sắc và mộc mạc.
Ngư dân đang xếp lưới gọn gàng để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới. Ai cũng vui vẻ và phối hợp nhịp nhàng với nhau trong công việc.

Bến cá Tân Sơn thuộc địa phận thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Nơi đây Được xem là một trong những chợ đầu mối hải sản lớn nhất miền Bắc. Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm thương lái đến thu mua hải sản để trở về phân phối tại các chợ khu vực Thái Bình và các tỉnh lân cận khu vực miền Bắc.

Các tàu cá với công suất từ 300 - 400 CV, thường tập trung khai thác ở khu vực cách đất liền khoảng 10 km. Trung bình một chuyến đi, mỗi tàu đánh bắt được khoảng từ 5 - 7 tấn hải sản các loại.
Tân Sơn là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân nằm trên địa phận Thái Bình, sau những chuyến đánh bắt ngư dân tập kết lại đây để nạp nhiên liệu và bảo trì máy móc, thiết bị.

Chẳng ai biết cái cảng cá này có từ bao giờ mà người ta chỉ biết từ khi có tàu thuyền đi đánh bắt cá thì cái chợ cá cũng từ đó mà xuất hiện. Cái chợ cá này cũng là nơi mưu sinh của biết bao nhiêu con người, người thì đi xa ra khơi đánh bắt cá, người thì lấy cá về bỏ lẻ, bỏ sỉ cho nơi khác.

Ngay sau khi tàu cập bến cá Tân Sơn, các loại cá, tôm được thương lái và người dân thu mua tại chỗ, đưa về các chợ đầu mối hoặc chế biến để phơi. Hầu hết các mặt hàng ở đây đều được tiêu thụ hết trong ngày.
Không chỉ cảng cá, con người nơi đây cũng có những nét thật thà chân chất của người dân miền biển, thân thiện và hòa đồng.
Vất vả với cuộc sống mưu sinh nhưng trên môi luôn nở nụ cười tươi.

Tờ mờ chỉ có 4h sáng thì đã nghe tiếng náo nhiệt từ khu chợ. Vào lúc này tàu cá đã cập bến đông đủ, người người cầm thau cầm rổ chạy xuống quanh thuyền tranh giành “chiến lợi phẩm” tươi rói phong phú với đủ loại như cá lanh, cá đối, cá mòi, cá khoai, tôm lớp, tôm sắt, mực trứng, mực sim, ghẹ… Kẻ mua người bán luôn miệng kì kèo với nhau vài đồng làm cả khu chợ nhộn nhịp hẳn lên.

Buổi sáng nơi đây luôn đầy ắp tiếng cười, cùng với tiếng ghe máy làm không khí như rộn ràng sức sống.
Nếu có dịp đặt chân đến Thái Bình, du khách nên ghé qua cảng cá để thưởng ngoạn vẻ đẹp và sự tấp nập buổi sáng sớm sẵn tiện mua vải cân hải sản về thưởng thức.

Không giống với bao cái nghề khác, cái nghề đánh bắt cá này ai cũng biết là lênh đênh, may rủi. Những hôm nào trời đẹp, biển yên thì không nói nhưng vào mùa mưa bão thì nguy hiểm vô cùng và đôi khi lại tay trắng đi về. Có thế mới thấy được cái vẻ đẹp trong tinh thần lao động của con người nơi đây, cái nghề vẫn truyền từ đời này sang đời khác.

Một thoáng không để ý thế mà những mẻ cá vơi dần không biết từ khi nào, phiên họp chợ cũng kết thúc để bắt đầu những công việc thường nhật.

Chị Nguyễn Thị Tú đã gắn bó với bến cá Tân Sơn được 8 năm nay. Chị cho biết, gia đình chị làm ngư nghiệp 15 năm, nhưng chưa năm nào chị thấy hàng hoá ở đây tồn đọng không bán được. Từ năm 2020, do đại dịch Covid-19, sản lượng có sụt giảm nhưng không đáng kể, hàng hoá vẫn được vận chuyển đi các tỉnh phía Bắc đều đặn hàng ngày.

Các mặt hàng hải sản tương đối rẻ: tôm lớp loại 80-100 con/kg giá 150.000 đồng/kg, mực trứng loại 5 con/kg giá 75.000 đồng/kg, ghẹ loại 10-12 con/kg giá 150-170.000 đồng/kg, tôm he loại 10-15 con/kg giá 400.000 đồng/kg.

Nơi phía đằng đông, mặt trời đã nhô cao tôi lặng người nhìn về phía biển cả, lắng nghe từng nhịp sóng vỗ rì rào, cảm nhận vị mặn của gió biển, bất giác những lo toan, bộn bề của cuộc sống thành thị dần tan biến.

Mọi người đã chuẩn bị xong để sẵn sàng ra khơi, mang hy vọng về một ngày tươi sáng.
Nhiếp ảnh gia Tô Mạnh, tên thật là Tô Quang Mạnh, sinh năm 1965. Anh tốt nghiệp Khoa hội họa ĐHSP Nghệ thuật Trung ương và hiện là giáo viên trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, Khu 7, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
NAG Tô Mạnh còn góp mặt trong một số phim nhựa với vai trò là Họa sĩ bối cảnh như: Khúc mưa, Thầu chín ở Xiêm… Anh cũng chính là nhiếp ảnh gia góp công lớn trong việc quảng bá hình ảnh của quê hương Thái Bình đến với mọi người.

 Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Tô Mạnh