Mỗi khi đi có dịp đi qua Bắc Ninh, các bạn nhớ ghé thăm những làng quê bình dị nơi đây, không chỉ là một tỉnh có nhiều chùa chiền nhất Việt Nam mà còn là tỉnh với những hình ảnh của làng quê Việt thân thương và yêu dấu từ những cánh đồng thơm mùi lúa mới đến những con đường làng thân quen.

Những hình ảnh làm tôi không sao quên được của làng quê Bắc Ninh, những cánh cò thẳng cánh bay khắp đồng ruộng. Người dân đang đi ra đồng cùng những cái cày, cái bừa trên vai.

Nhắc tới Bắc Ninh, người ta nghĩ ngay đến hai từ “Kinh Bắc” bởi đây là tên gọi vùng đất có nền văn hiến lâu đời, nơi khai mở nền văn minh Đại Việt. Kinh Bắc xưa là vùng đất bên bờ Bắc sông Hồng, đối diện Kinh đô Thăng Long, gồm toàn bộ đất đai tỉnh Bắc Ninh bây giờ và các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm của Hà Nội; Văn Giang, Văn Lâm của Hưng Yên và phần Nam Bắc Giang.

Bắc Ninh một mảnh đất cổ lâu đời với nhiếu nét truyền thông văn hóa đặc sắc. Nói đến Bắc Ninh người ta nhớ ngay tới Quan Họ, làn điệu dân ca đã đi sâu trong tâm thức bao nhiều con đất Việt. Nhưng mảnh đất Bắc Ninh còn nhiều cảnh đẹp và điểm du lịch hấp dẫn khác. Trong đó có thể kể ra như: thắng cảnh Đền Đô (nơi thờ các vị vua Lý), Chùa Dâu, chùa Bút Tháp, các làng nghề truyền thống như: Gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ, làng nghề Đúc Đồng Đại Bái.

Tôi là một người con của quê hương Bắc Ninh. Tôi thực sự yêu quý vùng đất thanh bình này. Tôi đã lưu giữ lại những ký ức đẹp qua những bức ảnh mình chụp được mỗi khi có dịp đi qua” – Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.

Đất Kinh Bắc được bồi đắp và tưới tắm bởi phù sa sông Hồng cùng rất nhiều con sông khác trong vùng. Đặc biệt là bốn con sông cùng mang chữ “Đức”: Thiên Đức - sông Đuống, Nguyệt Đức - sông Cầu, Nhật Đức - sông Thương, Minh Đức - sông Lục Nam.

Sách Đồng khánh dư địa chí ghi chép: Bắc Ninh thuộc bộ Vũ Ninh của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc dưới triều Hùng Vương - An Dương Vương. Thời Bắc thuộc là đất huyện Luy Lâu-Long Biên của quận Giao Chỉ, sau là Giao Châu. Thời Lý-Trần là Bắc Giang đạo. Thời Lê là Kinh Bắc đạo, sau đổi là trấn rồi xứ Kinh Bắc. Thời Nguyễn, đầu đời Gia Long vẫn gọi trấn Kinh Bắc gồm 4 phủ và 20 huyện. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi gọi là trấn Bắc Ninh. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) chia đặt tỉnh hạt, đổi gọi là tỉnh Bắc Ninh.

Những giá trị tinh thần, tư tưởng của vùng đất này được phản ánh qua các huyền thoại về ông Đùng, bà Đùng, về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, về Thánh Gióng, Mỵ Châu - Trọng Thủy, về thành Cổ Loa, An Dương Vương, Cao Lỗ Vương... Cùng với đó là đậm đặc các di tích phong phú, đa dạng và tiêu biểu hơn bất cứ địa phương nào trên đất nước ta, vẫn đang được bảo lưu trong lòng đất, lòng người Kinh Bắc. Nổi bật như lăng Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ, đền Phù Đổng Thiên Vương, thành Cổ Loa, thành cổ Luy Lâu...

Cách đây nhiều trăm năm dưới các triều đại phong kiến, danh xưng Kinh Bắc được cấu thành bởi 4 phủ. Đó là Phủ Từ Sơn, bao gồm các huyện Đông Ngàn, Yên Phong, Tiên Du, Quế Dương và Võ Giàng; Phủ Thuận An, bao gồm các huyện Gia Lâm, Siêu Loại (Thuận Thành), Văn Giang, Gia Bình, Lương Tài; Phủ Bắc Hà, bao gồm các huyện Kim Hoa (Mê Linh - Đông Anh - Sóc Sơn), Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Phúc (đất của Sóc Sơn); và Phủ Lạng Giang, bao gồm các huyện Phượng Nhãn (Lạng Giang), Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế, Lục Ngạn (Bắc Giang) và Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Trong số các đơn vị hành chính của Kinh Bắc xưa, huyện Đông Ngàn có số lượng người đỗ đạt cao nhất. Cả huyện Đông Ngàn xưa có chừng 90 làng thì có tới 34 làng có người đỗ đạt, tiêu biểu như: Tam Sơn, Hương Mạc, Vĩnh Kiều, Trang Liệt, Phù Lưu, Phù Chẩn, Phù Khê... và một số làng cổ của tổng Hội Phụ xưa, nay là xã Đông Hội, Mai Lâm thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Phương ngôn Kinh Bắc đã từng khẳng định: Dốt Đông Ngàn hơn người ngoan thiên hạ; Tương Vân Cầu, bầu Đông Lữ, chữ Đông Ngàn.

Cùng ngắm nhìn hình ảnh đẹp nền nã, nên thơ trên vùng đất Kinh Bắc qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Hưng:

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Hưng (Phố Art, Bắc Ninh).

 Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Quang Hưng