Phượt thủ, travel blogger, nhiếp ảnh gia Nguyễn Khải Trung (SN 1997, Hà Nội) đã khắc hoạ một Mù Cang Chải thật bình dị qua từng khung hình của mình.

Nguyễn Khải Trung rất yêu mến người dân ở Mù Cang Chải.

4 năm qua Nguyễn Khải Trung đã có hơn 80 chuyến đi khắp Việt Nam, trong mỗi chuyến xa của mình anh luôn cố gắng lưu giữ những khoảnh khắc bình dị, chân thực và xinh đẹp dọc chiều dài Tổ Quốc.

Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp huyện Mường La của tỉnh Sơn La, phía Tây giáp huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, phía Đông giáp huyện Văn Chấn cùng tỉnh. Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển.

Anh chia sẻ: “Mình gắn bó và yêu mến với vùng cao từ những chuyến đi phượt đầu tiên. Nơi mở cửa bước ra là chạm mây, chạm gió, chạm nắng lửa, mưa rừng. Nơi bạn dễ dàng bắt gặp những nụ cười, đó là động lực duy nhất để chống chọi lại điều kiện sống khó khăn, là niềm hạnh phúc ở nơi thành thị chưa chắc đã tìm thấy được”.

Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ - là một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Mù Cang Chải nằm cách Hà Nội khoảng 280km, mỗi mùa lúa chín nơi đây đón tiếp hàng chục nghìn du khách từ khắp các miền Tổ quốc.

Kể từ chuyến đi “định mệnh” ấy, cảnh quan và con người nơi đây đã khiến Nguyễn Khải Trung lưu luyến mãi không thôi, đến mức anh đã lặn lội hàng nghìn ki lô mét để 7 lần vòng quanh Tây Bắc. Đặc biệt địa danh Mù Cang Chải (Yên Bái) là nơi anh ấn tượng nhất. Sau 5 lần ghé thăm, anh đã lưu giữ cho mình những kỉ niệm và hình ảnh đẹp về “xứ sở” ruộng bậc thang.

Ruộng bậc thang với một màu xanh mướt.

Cách Hà Nội hơn 300km, Mù Cang Chải giờ đây không còn xa lạ với dân du lịch. Quốc lộ 32 nối liền một dải lên tận miền Lai Châu, cung đường cheo leo nằm uốn mình theo từng sườn núi đưa bạn đi qua nhiều cảnh đẹp của vùng núi Tây Bắc.

Nông dân đang be bờ để cho nước vào ruộng bậc thang.
Người dân địa phương đang cấy mạ non.

Vượt đèo Khế, rồi dốc Bồ Hòn là vào đến Tú Lệ. Tú Lệ thường là điểm dừng chân của hầu hết các đoàn đi qua đây, bởi có nhiều món ăn ngon, nhiều chỗ để đi và chụp ảnh.

Màu trắng của nước và màu xanh của mạ non tạo nên một bức tranh thiên nhiên thật tuyệt.

Người Mông đã dùng từ đó để miêu tả Khau Phạ như chiếc sừng chọc lên trời xanh, cũng nhằm chỉ mức độ hiểm trở. Cả cung đèo dài chừng hơn 20km, thường quanh năm mây mù che phủ, chỉ những ngày nắng đẹp thì đứng trên đèo mới nhìn rõ được hết thung lũng phía dưới.

Ở phía dưới, thung lũng Cao Phạ mùa nước đổ trông như bức họa ai đó đang vẽ dở, từng chấm xanh chấm vàng trông rất lộn xộn.
Chấm xanh là nương mạ ai đó đang cấy dở, chấm vàng là thửa ruộng đất khô đang chờ đổ nước.
Cung đèo Khau Phạ dần bị chinh phục, dọc hai bên đường lên thị trấn Mù Cang Chải đều là ruộng, ruộng bậc thang trải dài từ đỉnh núi xuống tận khe suối.

Từng lớp, từng lớp ruộng nối nhau chạy quanh khe núi, chấm phá thêm là những căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa đám mạ xanh non đang cấy dở. Con đường nhỏ vắt mình như sợi ruybăng ai khéo thả xuống giữa trời.

Lúc này trên các sườn núi, triền đồi, các ruộng lúa xanh bắt đầu ngả vàng. Những bông lúa trĩu hạt, uốn câu và những thửa ruộng bậc thang được nhuộm vàng, từng bậc ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống như bất tận, tạo nên một bức tranh vô cùng ấn tượng. Đây cũng chính là một trong những khoảnh khắc tuyệt đẹp nhất để du khách đến với Mù Cang Chải.


Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Khải Trung