Rẻo cao Tây Bắc từ nhiều năm nay trở thành vùng đất hấp dẫn du khách với thiên nhiên hùng vĩ, giàu bản sắc văn hóa, con người thân thiện.

Nhiều thị trấn nhỏ bé im lặng giữa đại ngàn bỗng có một ngày lột xác thành đô thị du lịch với mật độ bêtông hóa chen chúc ngộp thở, những bản sắc văn hóa nguyên thủy dần bị mai một bởi tác động của thị trường.

Mâu thuẫn giữa bảo tồn các cảnh quan tự nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống và sự phát triển vũ bão của kinh tế luôn là bài học cho bất cứ vùng đất nào. Có lẽ chính vì nhìn thấy trước những điều đó mà cuối tháng 3-2021, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức một hội thảo về đường hướng phát triển du lịch cho huyện nhà.

Tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa riêng biệt

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, ông Nông Việt Yên và Chủ tịch UBND huyện, ông Lê Trọng Khang đưa cho chúng tôi xem bản "Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2015 và định hướng đến năm 2030" và nhấn mạnh:

Đây là quyết tâm của cán bộ và nhân dân trong toàn huyện, phải nhìn rõ tiềm năng của Mù Cang Chải để phát triển.

Tiềm năng này không chỉ người dân Mù Cang Chải hay Yên Bái thấy, mà để du khách trong và ngoài nước biết để đến với chúng tôi, để cùng đầu tư, cùng phát triển, để mọi người tận hưởng những vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa riêng biệt của miền đất này.

Theo quốc lộ 32 từ thành phố Yên Bái, vào Nghĩa Lộ, qua Văn Chấn, đặt chân tới cửa ngõ phía đông của Mù Cang Chải, khi vừa lên đèo Khau Phạ, du khách sững sờ với thung lũng ruộng bậc thang mênh mông dưới trời xanh mây nắng.

Vẻ đẹp hùng vĩ của những mái đồi ruộng bậc thang này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt với gần 900 hecta ruộng (trong số 7.000 hecta của toàn huyện) nằm trên địa bàn các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải.

Từ vài năm nay trên đỉnh đèo có thêm dịch vụ dù lượn ngắm thung lũng vàng mỗi mùa lúa chín, dịch vụ trực thăng ngắm toàn cảnh Mù Cang Chải từ trên cao. Điều đặc biệt của ruộng bậc thang chính là vẻ đẹp ấy kết hợp hoàn hảo từ thiên nhiên và con người.

Nếu vẻ đẹp của ngọn núi, dòng sông, hang động, mặt hồ... là vẻ đẹp tự nhiên thuần phác thì ruộng bậc thang là tạo tác của bao nhiêu đời người, thấm đẫm mồ hôi và tài nghệ mở ruộng trên chính mảnh đất sinh sống của gia đình dòng tộc, đời đời nối nhau. Chính mồ hôi qua bao thế kỷ thấm xuống những mảnh ruộng ấy làm nên vẻ đẹp đặc biệt ấy.

Nhưng không thể dựa vào ruộng bậc thang để làm du lịch, bởi mỗi năm chỉ có hai mùa ruộng bậc thang đẹp nhất: mùa đổ nước tầm tháng 5 tháng 6 và mùa lúa chín vào tháng 9 tháng 10. Đầu tư du lịch đòi hỏi chi phí không nhỏ, nhưng trông chờ thu hút khách chỉ vào mùa vụ thì không thể phát triển mạnh được.

May mắn thay, ruộng bậc thang chỉ là một trong số rất nhiều thế mạnh du lịch của Mù Cang Chải đang tiềm ẩn. Đề án phát triển du lịch của huyện nhắm đến những "mảnh thiên đường bị bỏ quên" giữa đại ngàn, mà trước hết là đại ngàn cây xanh của Mù Cang Chải với tỉ lệ phủ xanh lên đến 67% cao nhất Yên Bái và cũng là địa phương có tỉ lệ rừng che phủ vào hàng cao nhất nước.

Rừng - cái nôi của du lịch Mù Cang Chải

Hệ sinh thái rừng của Mù Cang Chải rất rộng lớn với hơn 82.000ha rừng. Trong đó, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo rộng 20.108,2ha, nằm trên địa bàn các xã Chế Tạo, Púng Luông, Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Lao Chải. Khu bảo tồn đa dạng về thảm thực vật và hệ động vật trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm.

Câu chuyện trồng rừng, giữ rừng của Mù Cang Chải có thể sẽ phải kể bằng công sức mồ hôi và cả máu của nhiều thế hệ tiếp nối. Nhưng có khi chỉ cần biết một câu chuyện nhỏ cũng đủ giúp cho chúng ta hiểu rằng, rừng ở đây còn là sinh mạng con người.

Chúng tôi đang ở Mù Cang Chải những ngày tháng Tư.

Hơn 40 năm trước, tháng 4 năm 1980 một trận cháy rừng khủng khiếp đã xảy ra với rừng thông ở Nả Háng Tâu (Púng Luông, thuộc huyện Mù Cang Chải). Nữ y tá của lâm trường Púng Luông, chị Phạm Thị Tiến vừa sinh con được hơn một tháng.

Không thể ngồi nhìn ngọn lửa hung dữ đang liếm sạch những cánh rừng thông mồ hôi nước mắt bao năm, chị cùng bà con lao lên rừng dập lửa cứu rừng. Người phụ nữ mới sinh con còn yếu, lại mãi mê lao theo dập lửa không hề biết lửa đã vây kín xung quanh. Và khuya đó, ngọn lửa cháy rừng bị chặn lại nhưng người mẹ trẻ ấy đã nằm lại giữa cánh rừng nóng rực tro than.

Và hơn 40 năm sau trận cháy rừng cướp đi sinh mạng người nữ y sĩ của lâm trường Púng Luông ấy, người con trai hơn một tháng tuổi đã mồ côi mẹ ngày đó, giờ đây là trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải, tên anh là Lâm - nghĩa là rừng, Phạm Tiến Lâm.

Với một người như Lâm, chúng tôi tin anh sẽ yêu rừng và biết cách để giữ rừng tốt nhất trong chức năng nhiệm vụ của mình bởi trong những cánh rừng thông miên man xanh ở Mù Cang Chải hôm nay có tuổi xuân người mẹ thân yêu của anh nằm lại.

Với Mù Cang Chải, rừng cũng là một tiềm năng du lịch không thua gì sức hấp dẫn của những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ kia. Đi qua những cánh rừng xanh ngút mắt, sau mỗi cánh rừng lại có những địa danh du lịch gọi mời:

Thung lũng Nậm Khắt đang trở thành "thung lũng hoa hồng" lớn nhất tỉnh, đỉnh núi Lùng Cúng ở xã Nậm Có, núi Tháp Trời, ruộng mâm xôi ở xã La Pán Tẩn, bãi đá cổ Lao Chải, rừng sơn tra Háng Háng Gàng, hệ thống hang động tự nhiên bản Pú Cang, mạch nước khoáng nóng bản Làng Sang, rừng trúc ở xã Mồ Dề, thác Bảy Tầng.

Những tiềm năng du lịch ấy sẽ trở thành tài sản đo đếm được nếu được đánh thức. Nếu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mù Cang Chải đang chuẩn bị cho bước phát triển mới ở tầm vĩ mô đưa Mù Cang Chải thành huyện du lịch thì thế hệ các bạn trẻ của Mù Cang Chải cũng tự mình chuẩn bị ở tầm vi mô để góp sức cùng huyện nhà trên hành trình đó.

Khởi động cho chặng đường dài

Giàng A Dê là nhân vật đã được chúng tôi nhắc đến nhiều lần vì sự năng động, đi đầu trong việc biến quê hương của mình, mảnh ruộng của mình thành địa chỉ du lịch. Vợ chồng Giàng A Dê đều là "người nhà nước", đều có công việc và thu nhập khá, nhưng cách yêu mảnh đất La Pán Tẩn của anh là làm sao kéo cho được du khách tới với quê mình.

Tháng 11 năm 2020, khi chúng tôi ghé homestay "Hello Mù Cang Chải" của gia đình Dê, thấy Dê bảo tranh thủ dịch COVID chưa có khách đến, vợ chồng anh tập trung đầu tư thêm 2 bungalow để đón khách khi dịch tan.

Thế rồi chỉ hơn bốn tháng sau, lần này trở lại thấy Dê vừa hoàn thành thêm 6 bungalow nữa. Cả hệ thống bungalow của Giàng A Dê vừa được UBND tỉnh Yên Bái cấp chứng nhận OCOP đạt 4 sao trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".

Cũng trong những lần lên Mù Cang Chải trước đây, chúng tôi hay trao đổi thông tin, hình ảnh với Giàng A Lù ở Trung tâm Văn hóa thông tin Mù Cang Chải, là phóng viên Đài truyền thanh truyền hình của huyện.

Sau giờ đi làm về, thấy A Lù hay vòng xe xuống suối nhặt nhạnh những viên đá đẹp chở về. Và thật bất ngờ, trong chuyến công tác này "người nhặt đá"- chàng phóng viên Giàng A Lù mời chúng tôi ghé nhà chơi.

Khi leo qua những nương ruộng bậc thang để lên khu homestay mà A Lù vừa xây dựng xong, giọng A Lù hồ hởi: "Khu homestay này em đặt tên là "Lều Gió". Từ đây phóng tầm mắt ra không gian khoáng đạt trước mặt, những cánh rừng thông trải dài ngút mắt.

Và khu trung tâm huyện với những mái ngói son tươi nổi lên trên nền rừng xanh ngắt ấy. Cảm giác Mù Cang Chải như là một Đà Lạt của thời chưa bị cơn lốc xây dựng cuốn thành phố ngàn thông xô lệch.

Sự muộn màng trong việc kết nối giao thông đã khiến Mù Cang Chải là địa bàn còn giữ nguyên bản sắc tự nhiên. Nhất là rừng, đặc biệt là rừng thông dọc theo hai bên tuyến quốc lộ 32 xuyên qua các địa bàn trung tâm huyện.

Giữ được những cánh rừng này và có mật độ xây dựng hợp lý, tôn trọng cảnh quan, hài hòa thiên nhiên, chắc chắn một ngày không xa Mù Cang Chải là thiên đường du lịch của Tây Bắc chứ không phải là những đô thị mà bêtông cốt thép đã đánh bạt thiên nhiên như nhiều địa chỉ du lịch khác.

Từ Hà Nội đi Mù Cang Chải còn khoảng 4 tiếng

Đại diện Công ty CP phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt (Yên Bái) nhận định, với cảnh quan núi rừng, ruộng bậc thang, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của Mù Cang Chải sẽ phát triển. Hơn nữa, dự án đường cao tốc nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai tới Mù Cang Chải được triển khai sẽ rút ngắn quãng đường từ Hà Nội đi Mù Cang Chải từ 6-7 tiếng xuống còn khoảng 4 tiếng.

"Từ năm 2017, chúng tôi đã lập dự án, đầu tư 250 tỉ đồng để xây dựng khu resort rộng 6,5ha tại xã La Pán Tẩn và Chế Cu Nha. Dự kiến tháng 9-2022, dự án có quy mô 50 bungalow (trên 120 phòng) với những trang thiết bị hiện đại, cùng hệ thống nhà hàng, quán bar... sẽ bắt đầu đón khách".

Đại diện nhà đầu tư cho biết thêm một điểm nhấn của khu du lịch là nhà trung tâm rộng trên 3.000m2 được làm 100% từ tre nhập khẩu cùng một số loại cây quý hiếm như tử đằng, phượng tím... nhập khẩu trồng xen lẫn với những cây bản địa như tớ dày, đào, mai, mận...

Hoàng tử nào sẽ đánh thức người đẹp Mù Cang Chải?

Đánh thức "người đẹp ngủ trong rừng" trong chuyện cổ tích cần có chàng hoàng tử, còn để đánh thức "người đẹp Mù Cang Chải" cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ban ngành, tổ chức, trước hết là sự kết nối giao thông.

Giao thông thuận lợi sẽ kéo theo sự đông đúc du khách, kéo theo nhu cầu lưu trú, dẫn đến xây dựng nhiều nhà nghỉ, khách sạn để đáp ứng. Nếu không có biện pháp quản lý cụ thể, chắc chắn những sai lầm như các đô thị du lịch khác sẽ bị lặp lại.

Do đó trong đề án xây dựng Mù Cang Chải thành huyện du lịch, chúng tôi rất tâm đắc với phần bài học từ những đô thị, địa phương du lịch đi trước. Thấy được điều này có nghĩa là Mù Cang Chải đã bắt đầu chuẩn bị cho hành trình mới trong thời kỳ mới.

Ông Nông Việt Yên, tỉnh ủy viên, bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, đã nói về mục tiêu trở thành huyện du lịch của huyện mình:

Mù Cang Chải có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, lại có danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, nên huyện tập trung vào làm du lịch, coi du lịch là mục tiêu mũi nhọn để giảm nghèo nhanh, bền vững, trở thành điểm đến bản sắc, an toàn, thân thiện. Xác định phát triển du lịch gắn với giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa đồng bào Mông, Thái, Dao...

Nguồn dẫn: Lê Đức Dục - Đức Bình/ Báo Tuổi trẻ

Link bài gốc: https://dulich.tuoitre.vn/mu-cang-chai-hua-hen-mot-thien-duong-du-lich-tay-bac-20210426163847838.htm