Nhơn Hải là điểm đến nổi tiếng và càng đẹp hơn trong mùa nước cạn từ tháng 4 đến 6 âm lịch với những đám rong mơ mọc dưới biển vươn mình lên mặt nước giống như những thửa ruộng đang vào mùa gặt.

Những đám rong mơ mọc dưới biển vươn mình lên mặt nước giống như những thửa ruộng đang vào mùa gặt.

Rong mơ (tên khoa học là Sargassaceae) hay còn gọi là rau mơ, rong biển là thức ăn bổ dưỡng phổ biến của người dân miền biển, cũng là vị thuốc chữa bướu cổ, phù thủng, có tác dụng lợi tiểu, dùng để chế biến các loại nước uống, trà thanh nhiệt, có nhiều tác dụng trong y học cũng như công nghiệp. Bình Định là một trong những địa phương có nhiều rong mơ, tập trung ở biển Nhơn Hải.

Bộ ảnh “Nghề nuôi mực lá mùa rong biển” do nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảo Hòa thực hiện ở làng biển Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Mùa rong mơ, mặt biển làng chài Nhơn Hải trải dài từ khu vực gành Trên (thôn Hải Bắc) đến đảo Hòn Khô (thôn Hải Đông) và gành Dưới (thôn Hải Nam) trong xanh xen lẫn màu vàng nâu của những đám rong mơ ngoi mình lên và đu đưa theo dòng nước. Hãy ngồi trên thúng chai, khua nhẹ nhịp chèo dạo trên mặt biển để cảm nhận được bức tranh tuyệt đẹp của thiên nhiên.

Mùa rong mơ ngả màu vàng óng ánh như mùa gặt ở đảo Hòn Khô.

Mùa nước cạn nhất trong năm là từ tháng 5 đến 6 âm lịch, đứng trên cao nhìn xuống, có thể nhìn thấy dãy tường lũy kéo dài từ gành Dưới đến đảo Hòn Khô, những khoảng trống nơi tàu thuyền ra vào là những đoạn đứt gãy của tường lũy nằm sâu dưới lòng biển. Nếu vào mùa khác, bạn sẽ thấy rõ những tảng đá được kết nối rắn chắc kéo dài tạo nên tường lũy, còn mùa này, tường lũy mang trên mình một vẻ đẹp xanh mướt của rêu, sắc vàng óng ánh lấp lánh trong nắng của rong mơ phủ dày trên bề mặt.

Đến Nhơn Hải vào mùa nước cạn bạn đừng bỏ qua việc tắm biển, lặn ngắm san hô.

Mùa nước cạn, đến Nhơn Hải bạn đừng bỏ qua việc tắm biển, lặn ngắm san hô và còn gì thú vị bằng việc bơi thúng dạo quanh các rạn san hô, lên tường lũy tham quan rồi ngâm mình dưới biển khám phá những điều kỳ thú. Mực nước tại các khu vực gành, rạn san hô tại đảo Hòn Khô hay quanh khu vực tường lũy rất cạn, chỉ cần một chiếc kính lặn đơn giản bạn cũng có thể quan sát dưới nước, ngắm từng đàn cá đủ màu sắc tung tăng bơi lội chen mình giữa các đám rong mơ.

Mùa khai thác rong mơ dài chừng hai tháng. Vào đầu vụ, rong mơ thường ngắn, nằm hẳn dưới nước nên ngư dân phải lặn sâu 4 sải (một sải khoảng 1,8 m) mới lấy được. Đến khi rong dài hai mét, nổi trên mặt nước, ngư dân ngồi thúng cũng vớt được. Những người quen con nước, thạo nghề lặn có thể khai thác mỗi ngày hơn một tấn rong.

Hàng ngày ngư dân khai thác phải dậy trước 4 giờ sáng, chèo thuyền thúng gần một tiếng đến vị trí cách bờ khoảng một hải lý, chờ thuỷ triều xuống mới lặn hái rong mơ. Chỉ với kính lặn và mang một chiếc áo dài tay, ngư dân có thể ngâm mình xuống nước hàng giờ để hái rong, công việc mỗi ngày chừng 5 tiếng.

Cảnh ngư dân làng chài Nhơn Hải chèo thúng đánh lưới mực trên những bãi rong mơ vàng ươm hiện lên thật đẹp dưới ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảo Hòa

Những người khai thác rong mơ bài bản hơn thường trang bị ghe nhỏ gắn máy chạy ra biển, mang đồ người nhái, ngậm dây dẫn khí để thở, lặn xuống dòng nước sâu để hái. Thời điểm nước lạnh, dầm mình lâu trong nước dễ bị chuột rút, nên cứ khoảng một tiếng, ngư dân lại leo lên thúng sưởi ấm ít phút rồi nhảy xuống biển tiếp tục công việc.

Cây rong mơ thường sống bám vào những rạn san hô, các tảng đá ngầm dưới biển, khi cây rong dài có thể tràn lên mặt nước tạo thành từng bãi lớn. Đây là chỗ trú ẩn, kiếm ăn và sinh sản của nhiều loại hải sản. Cũng chính mùa rong mơ, người dân nơi đây cũng tận dụng làm thức ăn cho mực lá.

Trên hình là cận cảnh thả lưới bắt mực giống tại khu vực tập trung nhiều rong biển ở xã Nhơn Hải, cách trung tâm phố biển Quy Nhơn, Bình Định khoảng 30 km.

Quá trình kéo lưới bắt mực giống về nuôi tại bè được thực hiện cẩn thận để đảm bảo không làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái rong. Đây là loại rong mơ, sinh sản và phát triển tự nhiên tại vùng biển Nhơn Hải. Cây rong mơ thường sống bám vào các rạn san hô, tảng đá ngầm dưới biển, khi cây rong phát triển dài và già nổi lên mặt nước tạo thành bãi lớn.

Ngư dân lặn sâu dưới nước để gỡ lưới tránh làm hư hại tới rong. Các loại cá như cá kình, cá giò được đánh bắt đem về chế biến làm mồi ăn cho mực.

Anh Quân - một người có nhiều năm kinh nghiệm đưa mực giống từ tự nhiên về nuôi thành công đã chia sẻ: “Mùa rong biển là mùa thích hợp nhất để nuôi mực lá”. Mùa rong bắt đầu từ tháng 4 cho đến cuối tháng 6 là thời điểm chính để nuôi mực. Đa số mực giống sống nhiều dưới những tán rong, san hô và những loài như cá kình, cá giò là thức ăn chính cho mực.

Mực được nuôi trong lồng với số lượng từ khoảng 40 - 80 con. Mỗi lứa mực nuôi lồng khoảng 70 - 80 ngày.

“Công việc nuôi mực đòi hỏi rất nhiều công và hết sức tỉ mỉ, mực nuôi được cho ăn vào 7 giờ sáng và 5 giờ chiều nên việc tìm thức ăn phải làm trước đó một vài giờ. Điều quan trọng hơn là việc thả lưới trên biển phải hoàn toàn không làm hư hại hay ảnh hưởng đến hệ sinh thái rong, san hô dưới biển. Bộ ảnh dưới đây ghi lại toàn bộ quá trình: Thả lưới lấy mực giống từ tự nhiên, bắt cá sống về làm thức ăn cho mực, quá trình nuôi mực tại lồng bè và mực lớn được xuất đi. Quá trình thể hiện sự tương hỗ giữa con người với thiên nhiên, con người bảo vệ thiên nhiên sẽ được đền đáp bằng những sản vật tuyệt vời của tạo hoá ban tặng” – Anh Quân chia sẻ thêm.

Đa số mực giống sống nhiều dưới những tán rong, san hô.

“Mùa rong biển từ tháng 4 - 6 hàng năm là thời điểm thích hợp nhất để nuôi mực lá. Mực giống bằng các đốt ngón tay được bắt từ môi trường tự nhiên phải hết sức cẩn thận”, anh Quân, một người có nhiều năm kinh nghiệm đưa mực giống từ tự nhiên về nuôi thành công, chia sẻ thêm.

Nụ cười tươi của ngư dân với thành quả nuôi mực giống thành công.

Công đoạn bắt cá sống về làm thức ăn cho mực. Công việc nuôi mực đòi hỏi rất nhiều công và hết sức tỉ mỉ, mực nuôi được cho ăn vào 7 giờ sánh và 5 giờ chiều nên việc làm thức ăn cho mực phải thực hiện trước đó một vài giờ. Công việc thả thức ăn vào lồng nuôi mực. Trước khi cho mực ăn phải quan sát xem lồng mực có gặp trục trặc để sửa hoặc dọn lồng sạch sẽ. Mực ăn mồi tầng mặt nên khi cho ăn phải thả mồi từ từ và thường xuyên kiểm tra, vớt thức ăn cặn lắng dưới lồng.

Bộ ảnh “Nghề nuôi mực lá mùa rong biển” ở vùng biển Nhơn Hải của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảo Hòa đã đạt giải Ảnh Nghệ thuật Việt Nam 2020.

“Bộ ảnh là trải nghiệm thú vị về đề tài mới trong sáng tác, không đơn thuần là quá trình tác nghiệp chụp ảnh mà bản thân được hiểu nhiều hơn về công việc nuôi mực mà trước giờ ít người nghe tới. Quá trình thể hiện sự tương hỗ giữa con người với thiên nhiên, con người bảo vệ thiên nhiên sẽ được đền đáp bằng những sản vật tuyệt vời của tạo hóa ban tặng, truyền cảm hứng cho tôi sáng tác. Tôi cảm thấy thích thú và hài lòng với bộ ảnh này” – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảo Hòa tâm sự.

Bộ ảnh “Nghề nuôi mực lá mùa rong biển” của tác giả Trần Bảo Hòa đã đạt Huy chương bạc hạng mục ảnh hiện thực của cuộc thi Ảnh Nghệ thuật Việt Nam 2020. Cuộc thi được tổ chức bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vừa trao giải và khai mạc triển lãm ngày 14/10 tại Hà Nội. Triển lãm ảnh diễn ra tại Khu Thái Học thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội từ 14 - 23/10/2020.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảo Hòa - Người đã góp phần mang vẻ đẹp của mùa rong mơ ở Hòn Khô đến với mọi người.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Trần Bảo Hòa