Tôi có người chị quê ở Phan Rang, mỗi lần xin bả về quê chơi là lại bị bàn ra: quê tao toàn nắng với gió, có gì đâu mà chơi.

Mãi những năm về sau, khi không còn đi dạy nữa mà lang thang đó đây theo những bức ảnh, tôi được dịp ghé Phan Rang nhiều lần, tôi ghi lại được những khoảnh khắc đẹp về thành phố này và gửi cho chị xem, bả thốt lên rằng: “Quê chị đẹp vậy đó hả? Chị chưa đi chỗ này bao giờ. Chắc em nhìn theo con mắt nhiếp ảnh nên mới được vậy. Cảm ơn em.”

Tên Phan Rang được phiên âm Việt hóa của Panduranga. Tên Tháp Chàm được đặt theo cụm tháp Poklong Garai phía Tây thành phố. (Ảnh: Quảng trường thành phố Phan Rang - Tháp Chàm)

Phan Rang – Tháp Chàm (thường được gọi tắt là Phan Rang) là thành phố của tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam.

Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm nằm ở trung tâm tỉnh Ninh Thuận, cách thủ đô Hà Nội 1.380 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 330 km về phía đông đông bắc, cách thành phố Nha Trang 95 km về phía nam

Phan Rang có nhiều rặng núi bao quanh phía Bắc, phía Nam, phía Tây khiến cho gió mùa Đông - Bắc và gió mùa Tây - Nam là những gió đem mưa tới bị ngăn cản lại trước khi thổi đến Phan Rang. Các rặng núi trọc quanh Phan Rang đều phản chiếu lại nhiệt vào giữa lòng đồng bằng nên khí hậu nóng. Khí hậu Phan Rang rất khô và có lẽ là vùng khô hạn nhất Việt Nam. Lượng mưa hàng năm rất ít. Các tháng khô khan nhất là từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch. Vào các tháng này, gió thổi rất mạnh. Vì đặc điểm này mà dân địa phương thường ví von "Gió như Phang, Nắng như Rang".

Nhưng cũng chính sự khắc nghiệt ấy đã tạo nên một Phan Rang với nét đẹp riêng biệt của biển, không trộn lẫn vào nơi nào cả.

Biển Ninh Chữ

Cách thành phố Phan Rang 5 km về phía Đông, bãi biển Ninh Chữ được coi là một trong những bãi biển đẹp nhất ở miền Trung và là địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé đến Ninh Thuận.

Bình minh trên bãi biển Ninh Chữ

Bãi biển Ninh Chữ là 1 trong 9 bãi tắm đẹp nhất của Việt Nam, có chiều dài 10 km, bờ biển bằng phẳng hình vòng cung, nước trong xanh, cát trắng và không khí trong lành.

Bãi biển dài hình vòng cung, cát trắng mịn màng, làn nước trong xanh gọi mời, hấp dẫn.

Do mới được đưa vào khai thác du lịch cách đây không lâu nên bãi biển này vẫn còn khá hoang sơ, bình yên. Đó chính là những yếu tố hấp dẫn du khách đến đây.

Bãi biển đẹp nhưng còn rất hoang sơn, ít sóng, nước trong xanh, cát trắng và không khí trong lành.
Sáng sớm, ngoài các hoạt động tắm biển thì bóng chuyền, đá banh, đá cầu, lướt ván, câu cá, lặn ngắm san hô… cũng diễn ra sôi nổi ở đây.
Những cây dừa và hàng dương xanh tốt trồng dọc theo công viên bãi biển làm chỗ nghỉ mát cho du khách gần xa và người dân địa phương.
Khoảng thời gian lí tưởng nhất để đến Ninh Chữ là từ tháng 1 đến tháng 8, lúc này biển êm gió nhẹ và cảnh đẹp.

Biển Bình Tiên

Biển Bình Tiên nằm giữa ranh giới của hai vùng biển ngọc của miền Trung đó là Ninh Thuận và Khánh Hòa. “Viên ngọc ẩn” Bình Tiên mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, ôm trọn cung đường như tiên cảnh của vườn quốc gia Núi Chúa thuộc xã Công Hải, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Nước biển xanh trong, thiên nhiên hoang dã, dân cư hiền hòa, đủ các loại hải sản tươi ngon là những gì mà bãi biển Bình Tiên được tạo hóa ban tặng.
Từ Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm theo hướng Vịnh Vĩnh Hy và Cam Ranh chừng 40km sẽ đến biển Bình Tiên.
Một cảnh đánh cá vây ở biển Bình Tiên lúc hoàng hôn.
Con đường đi đến biển Bình Tiên được ví von là con đường đẹp nhất Việt Nam khi một bên là núi cao hùng vĩ, một bên là biển xanh tươi mát đến lạ kì. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị cho chuyến đi của bạn.

Vịnh Vĩnh Hy

Vịnh Vĩnh Hy là một trong số các vịnh biển đẹp hoang sơ nhất nước ta, với khung cảnh đồi núi đá vôi xung quanh và các eo biển xanh biếc đã tạo nên một bức tranh sơn thủy vô cùng kỳ vĩ, đặc biệt dưới lòng biển ở đây là vô vàng các rạn san hô nguyên thủy tha hồ cho du khách lặn khám phá trải nghiệm nhiều cảm giác mới lạ nơi đây.

Vịnh Vĩnh Hy nằm nấp mình sau những dãy núi cao, là nơi trú ngụ của tàu bè khi bão to sóng lớn. Nước trong vịnh trong xanh và phẳng lặng như gương cùng vời bờ cái trắng mịn màng hình cánh cung tuyệt đẹp.
Toàn cảnh Vịnh Vĩnh Hy trong ánh hoàng hôn

Nằm ngay sát Vườn quốc gia Núi Chúa, một mặt là biển và ba bề là rừng núi bạt ngàn, Vĩnh Hy hiện lên với vẻ nguyên thủy của biển xanh, cát trắng, rừng núi và thiên nhiên.

Vịnh Vĩnh Hy được bao bọc bởi ba mặt rừng núi nên nhìn chung vùng vịnh này biển khá lặng và yên bình quanh năm. Thời tiết tại đây ôn hòa và dễ chịu, vì thế bạn có thể đi du lịch Vĩnh Hy bất cứ thời điểm nào trong năm.

Những dãy núi cao trùng điệp bao bọc lấy vịnh ngọc.
Vịnh Vĩnh Hy nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang khoảng 40km. Thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, gần vùng biển Ninh Chữ thơ mộng.
Nếu xuất phát từ Cam Ranh (Nha Trang) chúng ta đi về Hướng Phan Rang chừng 40km qua biển Bình Tiên sẽ đến được địa danh này.

Hang Rái

Cách Vĩnh Hy không xa đi về hướng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là địa danh Hang Rái.

Nhiều người khi ngắm nhìn phong cảnh nơi đây đều không thể tin chúng ta đang ở Việt Nam, như một bức tranh kỳ vĩ, cổ thiên là nơi giao nhau giữa Núi Chúa và biển cả.

Hang Rái được cho là địa điểm vàng của các tay săn ảnh hàng đầu và các dân phượt phiêu lưu thích chinh phục thiên nhiên, đến với Hang Rái du khách có thể ngấm cảnh, câu cá, cấm trại, thả mình vào dòng nước trong xanh và lặn ngắm san hô trãi dài hàng KM....
Gọi là hang nhưng thực chất đây là một bãi đá hướng thẳng ra biển với những tảng đá chồng lên nhau tự nhiên.
Phơi mình hoàn toàn trước trời và biển, Hang Rái đặc biệt đẹp vào lúc bình minh. Mặt trời lên nhuộm hồng cả một vùng rộng lớn.
Mùa rêu (những tháng cuối năm), những cổ thạch ở Hang Rái được phủ một màu xanh rêu như những thảm cỏ tươi tuyệt đẹp.
Lúc này, Hang Rái đẹp như thiên đường khiến bất cứ ai cũng muốn có bằng được một bộ ảnh để đời tại đây.

Hòn Đỏ

Hòn Đỏ là một quần thể san hô hóa thạch thuộc địa phận thôn Mỹ Hiệp nằm ở tỉnh Ninh Thuận. Hòn Đỏ cách trung tâm Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 17km, nằm ngay trên tuyến đường biển nổi tiếng ở Việt Nam.

Đường vào Hòn Đỏ hơi khó đi, chúng ta nên di chuyển bằng xe máy và dùng google map để chỉ đường.
Vào những ngày nước cạn (30, mùng 1 hay rằm), mọi người sẽ được ngắm san hô ở Hòn Đỏ mà không cần phải dụng cụ lặn biển. Nếu đi vào những tháng 10, 11, 12 cuối năm chúng ta còn được thưởng thức thêm những khóm rêu xanh mọc lên từ những cổ thạch.
Thời gian ngắm Hòn Đỏ đẹp nhất chắc chắn là buổi bình minh rồi. Khi ánh mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển, tỏa ánh nắng vàng soi sáng những tảng đá cổ, những đám rêu xanh và san hô cũng trở nên lung linh, hấp dẫn.

Bãi rêu làng Từ Thiện

Toàn bộ khu vực bãi rêu dài khoảng hơn 4km, bề rộng khi nước rút thấp nhất là khoảng 500m. Phần lớn bãi rêu được mọc trên nền của các thân san hô trắng.

Từ Phan Rang đi qua cầu An Đông, đi thẳng đến khi gặp những cột điện gió lớn bên phải, nhìn thấy có bảng ghi "Điện Gió Mũi Dinh" rồi nhìn sang trái thấy có bảng "Thôn Từ Thiện" thì rẽ trái. Sau đó đi thẳng ra biển luôn là thấy ngay bãi rêu.
Bãi rêu dài hơn 4km, rộng chừng 500m
Ngoài rêu, bãi biển còn có thêm mơ biển, một loại thực vật tuyệt vời có công dụng giải nhiệt khi được phơi khô và pha uống như một loại trà.
Rêu này thường được dân địa phương thu hái quanh năm để bán là thức ăn cho tôm.
Theo người dân địa phương, khung cảnh bãi rêu tuyệt vời nhất sẽ là vào sáng sớm ngày rằm.
Thời điểm này, thủy triều ở mức thấp nhất, nguồn sáng là ánh sáng mặt trời lúc bình minh cũng là một yếu tố tuyệt vời để có một tấm ảnh đẹp.

Bình Hưng - chốn hoang sơ giữa miền nắng gió

Đảo Bình Hưng cách bờ khoảng 10 phút đi thuyền miễn phí. Đặt chân lên đảo, điều khiến chúng tôi bị cuốn hút là màu nước biển xanh và trong cùng những bãi cát trắng tinh.

Biển ở đây không sâu, thoai thoải, chỉ cần bơi lội ra vài chục mét, nước ngang ngực, là đã thấy san hô ngay dưới chân. Trên các bãi biển là những tảng đá vô vàn hình thù, kiểu dáng và màu sắc hết sức sinh động với những hình dáng của đá tại bãi Nhà Cũ, bãi Chướng, bãi Nồm,..

Một số địa điểm nổi tiếng ở đây như lăng ông Nam Hải, miếu Bà, đình làng Bình Hưng, chùa Bình Hưng…. còn lưu giữ bản sắc văn hoá truyền thống cộng đồng cư dân miền biển. Được biết, dịp hai năm một lần, người dân trên đảo lại tổ chức lễ hội cúng lăng, cúng đình…, cả làng tập trung sinh hoạt đông vui, náo nhiệt. Người dân trên đảo, sống bằng nghề khai thác thuỷ sản.

Biển Phan Rang thật đẹp, người dân thật thà thân thiện, món ăn rất ngon và còn nhiều điều hấp dẫn khác chờ đón chúng ta cùng khám phá ở mảnh đất này.

@haionthego