"Trang phục của phụ nữ Dao chính là những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, chuyển tải quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh của cộng đồng thông qua các hoa văn, họa tiết thêu, in trên đó."

Dân tộc Dao có số dân là 891.151 người (năm 2019) đứng thứ 9 trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Dao cư trú chủ yếu ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Với những nét riêng về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, người Dao được chia thành nhiều nhóm (ngành) khác nhau như: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Gang, Dao Tiền, Dao Quần trắng, Dao Thanh Y, Dao Làn Tẻn…

Dao Đỏ Thanh Bình - Lào Cai

Mặc dù chịu tác động rất lớn của quá trình giao thoa văn hóa nhưng người Dao vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của dân tộc mình, từ quan hệ thứ bậc trong anh em, họ hàng đến các phong tục, tập quán, tín ngưỡng văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết...

Dao thanh Y -Tuyên Quang

“Trang phục của phụ nữ Dao chính là những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, chuyển tải quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh của cộng đồng thông qua các hoa văn, họa tiết thêu, in trên đó. Mỗi nhóm (ngành) Dao đều có trang phục riêng, được thêu dệt rất cầu kỳ. Những người mẹ, người bà dân tộc Dao thường dạy cho con gái mình biết thêu thùa từ bé. Những thiếu nữ Dao phải tự mình làm ra bộ trang phục đẹp nhất để mặc trong ngày cưới, mùa lễ hội. Trang phục là một yếu tố quan trọng để làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của người Dao” – Nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng chia sẻ.

Dao Quế Lâm. Quê gốc xã Thuần Mang - Ngân Sơn - Bắc Kạn.

Cùng tìm hiểu nét đẹp văn hóa trong trang phục dân tộc Dao qua lăng kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng:

Dao Thanh Phán - Quảng Ninh

Người Dao Thanh Phán cư trú ở các xã Đồng Văn, Hoành Mô và Đồng Tâm thuộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh được biết đến với trang phục độc đáo, nổi bật bởi sắc đỏ trên khăn, mũ đội đầu và các họa tiết trang trí trên áo, quần… Thiếu nữ Dao Thanh Phán thường quấn trên đầu một chiếc khăn màu đỏ, in họa tiết hoa văn và buộc dây ở cằm, thể hiện sự nết na, duyên dáng. Phụ nữ đã có chồng thì thường cạo trọc đầu, đội một hộp màu đỏ và phủ khăn họa tiết lên trên. Trang phục rực rỡ, cùng nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi đã tôn thêm nét đẹp riêng có của người phụ nữ Dao Thanh Phán miền sơn cước.

Dao Thanh Y - Đình Lập - Lạng Sơn

Trạng phục người Dao Thanh Y làm bằng chất liệu vải tự nhuộm nhưng qua thời gian người ta nhận thấy việc sử dụng vải tự nhuộm khó giặt đến ngày nay đã sử dụng các loại vải hiện đại. Sử dụng màu đen làm màu chủ đoạ và gần như không có các hoạ tiết thêu ở phần thân áo, bộ áo khi làm thì được chia ra là 3 phần chính là cổ áo, ống tay áo, thân áo và được may ghép lại. Riêng phần cổ có nhiều hoạ tiết hoa văn được thêu tỉ mỉ bằng tay, đa số ở trên cổ áo của người dao thanh y đều có thêu chữ Vạn. Ngoài ra cũng có một số mẫu họ sử dụng hoạ tiết khác thay chữ vạn. Để có bộ trang phục hoàn chỉ không thể thiếu những chùm hạt cườm tất cả đều được xỏ bằng tay và có đan các sợi chỉ lại với nhau thành một hình dạng nhất định, màu hạt cườm họ có thể chọn các màu và, đỏ, xanh, tím, và đi theo bộ hạt cườm đó là những sợi chỉ màu đỏ tạo cho bộ trang phục sặc sỡ, và chiếc đai lưng của người Dao Thanh Y được dệt hoàn toàn thủ công và có các hình dạng nhất định.

Về phần mũ đội ở trên đầu thì khi người thợ làm mũ họ sử dụng lá cọ để cuốn thành những sợi dây cuốn đủ 7 vòng để là phần trên đỉnh sau đó đóng các hạt bạc hoặc nhôm màu trắng lên trên phần đỉnh mũ, ở bên canh ngày nay họ sử dục các chất liệu bằng nhựa để việc làm mũ dễ dành hơn. Đặc biệt ở phần mũ khổ thể thiếu chiếc khăn vuông rất quan trọng được buộc các sợi chỉ màu đỏ thả dài từ trên đỉnh mũ xuống và có đính kèm các hạt cườm…

Dao Lô Gang Ái Quốc - Lạng Sơn

Trang phục người Dao Lù Gang, xã Ái Quốc, Lộc Bình có vạt áo dài qua đầu gối, màu sắc chỉ thêu được thêu chủ đạo là màu cam, tinh tế, sắc sảo. Trang phục của phụ nữ Dao Lù Gang “Lô Gang” được làm ra với sự cần mẫn, khéo léo được người phụ nữ trân trọng, đặc biệt trong những dịp quan trọng như đi chơi, ngày Tết, lễ hội, đám cưới, phụ nữ Dao đi lấy chồng không thể thiếu được bộ trang phục truyền thống.

Dao Lô Gang Bắc Sơn - Lạng Sơn

Bắc Sơn là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lạng Sơn, không chỉ nổi tiếng là địa danh lịch sử, mà cảnh sắc nơi đây còn đẹp đến mê mẩn. Cư dân Bắc Sơn gồm người Kinh, Nùng, Dao, Tày... Với những nếp nhà sàn truyền thống đặc trưng, điểm tô cho thung lũng Bắc Sơn thêm phần mộc mạc, thanh bình. Đất đai Bắc Sơn màu mỡ, người dân chủ yếu làm nông, đặc biệt là trồng lúa nước với hai vụ chính mỗi năm. Ngoài ra họ còn canh tác thêm ngô, khoai và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Dao Lô Gang Mẫu Sơn - Lạng Sơn

Xã Công Sơn (Cao Lộc, Lạng Sơn) là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao thuộc ngành Dao Lù Gang. Nơi đây không chỉ có khí hậu ôn hòa, trong lành mà còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao. Phụ nữ Dao Lù Gang diện trang phục truyền thống bên sườn núi Mẫu Sơn, Lạng Sơn rợp sắc hoa đào rừng. Trang phục phụ nữ Dao là áo dài 4 thân bổ tà trước ngực. Bên trong áo có yếm thêu hoa văn, gắn các ngôi sao bằng bạc, trang trí bằng hạt cườm kèm thắt lưng màu trắng thêu hoa văn đen hình cành cây.

Dao Đỏ Tràng Định - Lạng Sơn

Thôn Lũng Slàng thuộc xã Tri Phương, huyện Tràng Định - một thôn có 100% dân số là người dân tộc Dao – gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, nhất là khi thời tiết xấu. Nhưng quay trở lại thôn Lũng Slàng vào thời điểm này, cảnh vật và con người đang được khoác trên mình một diện mạo mới, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay hiện hữu, niềm hân hoan phấn khởi đầy ắp trong câu chuyện của người dân tộc Dao nơi đây. Cách thị trấn Thất Khê chừng 15km, với vị trí nằm lọt thỏm trong lòng chảo, bao quanh là núi non trùng điệp hiểm trở, đường đi lại khó khăn, chỉ có một con đường duy nhất vào bản dài hơn 2km.

Dao Đỏ (đầu đỏ) Sì Lở Lầu - Lai Châu

Quãng đường từ trung tâm huyện Phong Thổ vượt dốc lên đỉnh Dào San, chỉ 30 km, thêm chừng 40km nữa là đến Sì Lở Lầu. Khu vực tám xã biên giới Bắc Dào San thuộc huyện Phong Thổ, Lai Châu là một khu vực đặc biệt cao trên 1.900m với cộng đồng ba dân tộc chính sinh sống là Mông, Dao đỏ và Hà Nhì.

Dao Khâu - Lai Châu

Người Dao Khâu hay còn gọi là Kim Miền (hoặc Kìm Miền), là một trong những nhánh Dao di cư sang Việt Nam sớm nhất nên họ được xem như thuộc nhóm Dao đại bản, tức người đến trước trong cộng đồng dân tộc Dao. Trang phục của dân tộc Dao Khâu dung dị với màu chàm là chủ đạo. Phụ nữ Dao thường mặc áo dài, vạt áo thường gập ngược lại và thắt dây lưng. Dọc hai bên nẹp áo từ cổ xuống bụng là những tua chỉ màu bã trầu với gấu tay áo được nẹp bằng vải màu xanh. Đằng sau lưng áo là 1 chùm 5 đồng bạc, mỗi đồng bạc là một dây hạt cườm đủ màu mà. Phụ nữ người Dao Khâu quấn khăn đen trên đầu, khăn quấn là một tấm vải dài 5 sải, khổ hẹp, vải bông màu đen, chiều rộng 25 – 30cm được quấn quanh đầu, nhìn đằng sau giống như hình tam giác cân.

Dao Đầu Bằng - Lai Châu

Trang phục của người Dao Đầu Bằng ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường có nhiều nét độc đáo, riêng biệt. Sự độc đáo thể hiện trong nghệ thuật tạo hình, trang trí hoa văn trên trang phục, mũ và các vật dụng khác. Cầu kỳ và đòi hỏi sự khéo léo là những chiếc mũ. Mũ được làm nhiều tấm nhôm được gọt mài giống như chiếc trâm cài rồi sắp gối từng chiếc với nhau theo hình chữ nhật, chiều dài khoảng 15cm, ngang khoảng 7cm. Các vạt áo này thường có hình bông hoa với hai màu chính là đỏ và xanh, chiếc vạt áo thường được trang trí bằng nhiều sợi lông màu đỏ dài khoảng 60cm. Các hoa văn được thể hiện trên nền tấm bạc tròn với bán kính khoảng 6cm – 7cm. Hoa văn trên mũ của người phụ nữ có hình con nhện, hình bông hoa 3 cánh mà theo người Dao Đầu Bằng cho đó là các ngôi sao.trên mũ của người Dao Đầu bằng còn dùng tóc tết lại rồi cuốn giống như người phụ nữ thường cuốn tóc để tạo thành hình mũ rồi cài mũ nhôm có tạo hình các hoa văn lên đỉnh.

Dao Đỏ Sapa - Lào Cai

Phụ nữ Dao Đỏ ở Bản Khoang, Sa Pa, Lào Cai. Điểm chú ý trong bộ trang phục truyền thống là thắt lưng cuốn 3-4 vòng và buộc chặt phía sau. Khi mặc, họa tiết đã tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục, thể hiện sự gần gũi và thân thiện với thiên nhiên của người Dao Đỏ.

Dao Tuyển Bát Xát - Lào Cai

Người Dao Tuyển phân bố ở Lào Cai và Lai Châu. Trong ảnh là mẹ và chị dâu em. Sở dĩ em đội mũ còn mẹ và chị dâu em đội khăn xanh là vì:

Thứ 1: Mũ em đội là mũ cho trẻ con. Con gái người Dao Tuyển khi đã lớn (không quy định tuổi tác, chỉ cần trông ra dáng thiếu nữ) thì sẽ có 1 cái lễ (gần như cấp sắc/ lễ trưởng thành ở nam giới) đội khăn xanh đó. Thường thì các thiếu nữ mới lớn sẽ tập trung lại, mặc áo dài (khi còn bé sẽ mặc áo ngắn ạ) và đội khăn xanh đó vào đêm giao thừa ghi nhận sự trưởng thành. Khi trưởng thành sẽ đội cái khăn xanh đó như mẹ và chị dâu em.

Thứ 2: Em cũng làm lễ đội khăn xanh rồi, nhưng mà vì em không biết tự đội, với cả em chưa lập gia đình, nên đội mũ đó cũng vẫn được. Nhưng một khi đã lấy chồng thì sẽ không được đội mũ như của em nữa.

Dao đỏ Bát Xát - Lào Cai

Bát Xát ở dọc theo Sông Hồng, phía Bắc giáp huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc), phía Nam giáp thành phố Lào Cai, phía Đông là sông Hồng và phía Tây giáp Sa Pa. Bát Xát gọi đúng từ, đúng âm là “Pạc srạt” với hai nghĩa hiểu khác nhau. Nghĩa thứ nhất là “Một trăm tấm cót” còn nghĩa thứ hai là “miệng thác” hoặc “bến thác”.

Bát Xát có dãy Ngũ Chỉ Sơn, là đầu nguồn của “con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Bát Xát có những cánh đồng của Quang Kim, Cốc San, đặc biệt có rừng thảo quả bạt ngàn, một loại dược liệu quý, tạo nên nguồn thu cơ bản cho nhân dân vùng cao Bát Xát. Bát Xát có mỏ đồng Sinh Quyền trữ lượng khá lớn với 51 triệu tấn đang được khai thác mang lại nguồn lợi cho tỉnh, cho quốc gia. Công nghiệp khai khoáng ở Bát Xát phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá ở vùng cao.

Dao Đỏ Tuyên Quang

Đồng bào người Dao ở Tuyên Quang hiện có khoảng 90.600 người, với 9 ngành Dao, trong đó người Dao Đỏ sống tập trung chủ yếu ở xã Sơn Phú, Sinh Long, Năng Khả…(huyện Na Hang) và xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình). Đối với người Dao Đỏ, trang phục là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác.

Chị Triệu Thị Lập (dân tộc Dao Đỏ, ở xã Thanh Tương, huyện Na Hang) chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã được mẹ truyền dạy cho cách may bộ váy áo truyền thống của dân tộc mình. Mỗi bộ trang phục đều được thêu bằng tay rất kỳ công, tỷ mỷ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ nhiều khi mất cả năm mới làm xong một bộ váy áo. Trước khi về nhà chồng, các cô gái Dao Đỏ thường ở nhà tập trung cho việc thêu thùa, khâu vá, hoàn thành bộ trang phục của riêng mình”.

Dao Tiền Tuyên Quang

Mỗi ngành Dao ở Tuyên Quang cư trú ở một vùng nhất định, như ngành Dao Đỏ cư trú chủ yếu ở huyện Na Hang, Lâm Bình và Chiêm Hóa, còn ngành Dao Tiền cư trú chủ yếu ở huyện Chiêm Hóa, Na Hang và Hàm Yên. Khác với Dao Đỏ, trang phục của người Dao Tiền chủ yếu là sự kết hợp hai màu chủ đạo là chàm và trắng.

Dao Tiền Nguyên Bình - Cao Bằng

Nhóm thêu thổ cẩm phụ nữ Dao Tiền Hoa Thám là xã vùng III của huyện Nguyên Bình, có 311 hộ, 1.442 nhân khẩu với 3 dân tộc Dao, Mông, Nùng cùng đoàn kết sinh sống, trong đó, dân tộc Dao chiếm 90%. Ngoài làm nông nghiệp, những lúc nông nhàn, hay lúc lên nương, đi chợ... phụ nữ dân tộc Dao tiền lại chăm chỉ quay sợi, xe tơ để dệt vải, làm ra những bộ quần áo, váy với nhiều màu sắc rất đẹp, mang đậm nét đặc trưng của người Dao tiền. Không chỉ se tơ dệt vải mà nhắc đến người dân Dao tiền nơi đây không thể không nhắc đến nghề thêu thổ cẩm. Các sản phẩm thêu ở đây rất đa dạng bao gồm: quần áo dân tộc, khăn trải bàn, vỏ gối, khăn trùm đầu, tranh treo tường.

Phụ nữ dân tộc Dao Tiền ở xóm nà Chắn, xã Hoa Thám huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Dao Đỏ Hoàng Su Phì - Hà Giang

Huyện Hoàng Su Phì rất nổi tiếng bởi Di tích Quốc gia Ruộng bậc thang làm say đắm du khách. Cùng với đó, là những điểm nhấn về nét văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, như: Lễ cùng Bàn Vương, thần rừng Mo Đổng Trư; nhảy lửa, Lễ Cấp sắc và nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, như “vật chày” của người Dao ẩn chứa trong đó nét tâm linh kỳ bí mê hoặc... Bộ ảnh chụp tại Bản Luốc là một xã thuộc huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Là xã nằm trong khu vực danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Anh Hoàng Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Bản Luốc cho biết: “Hiện nay xã có 10 thôn, bản. Tuy gọi chung là dân tộc Dao nhưng có nhiều nhóm khác nhau với những phong tục tập quán riêng biệt không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào khác mà biểu hiện rõ rệt nhất là nơi cư trú, trang phục”.

Dao áo dài Khuổi My - Hà Giang

Thuộc thành phố Hà Giang nhưng Khuổi My lại là thôn bản vùng cao. Nằm trên sườn núi Tây Côn Lĩnh, thôn người Dao này lúc nào cũng chìm trong sương mù. Thôn Khuổi My thuộc xã Phương Độ, thành phố Hà Giang. Toàn bộ gần 50 hộ trong thôn đều là người Dao. Chỉ cách thành phố chừng chục cây số nhưng trước đây, muốn đến trung tâm xã, bà con trong thôn phải đi bộ cả ngày trời, cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Dao áo dài Nậm Đăm - Hà Giang

Du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, Quản Bạ, Hà Giang. Thôn Nặm Đăm nằm cạnh thị trấn Tam Sơn khoảng hơn 2km, thuộc xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, giao thông đi lại thuận tiện, dân cư sống tập trung. Thôn Nặm Đăm có 47 hộ, gồm 235 khẩu, là nơi sinh sống của người dân tộc Dao Chàm. Thôn còn giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và nét sinh hoạt truyền thống. Những ngôi nhà nơi đây đều trình tường, mộc mạc, đậm nét văn hóa, kiến trúc của đồng bào dân tộc Dao Chàm. Hiện nay ở trong làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm đã xây dựng mô hình nhà lưu trú, và dịch vụ ăn uống cho khách du lịch ngay tại nhà dân, có 10 hộ gia đình, nhà nghỉ (Homestay), lên các menu thực đơn bao gồm các món ăn truyền thống của dân tộc Dao Chàm. Đã đưa vào sử dụng sẵn sàng đón khách. Vào tháng 1.2017, tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á – ATF 2017 tổ chức tại Singapore, Tổng Thư ký ASEAN và Bộ trưởng Du lịch các quốc gia thành viên đã chứng nhận danh hiệu “Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê đạt tiêu chuẩn ASEAN” cho 5 hộ dân của Việt Nam, trong đó có Dao Homestay tại thôn Nặm Đăm.

Dao quần chẹt - Ba Vì - Hà Nội

Dưới chân núi Ba Vì (còn gọi Tản Viên Sơn), là nơi có 98% người Dao sinh sống. Vùng núi Ba Vì với đỉnh cao nhất 1.296 m, có môi trường thực vật và động vật vô cùng phong phú, nhất là có nguồn dược liệu quý đa dạng. Lương y Triệu Thị Bích Hòa - Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: “Tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để giữ gìn lấy những cây thuốc quý báu này, để những bài thuốc của người Dao sẽ được lưu truyền mãi cho con cháu. Có lẽ đó cũng là mong muốn của tất cả bà con người Dao, những người sinh ra đã gắn bó với từng cái cây, ngọn cỏ ở Ba Vì”.

Dao Khăn Trắng - Hoàng Su Phì - Hà Giang

Huyện Hoàng Su Phì hiện có hơn 13.000 người dân tộc Dao, chiếm 22% tổng dân số toàn huyện với 4 nhóm gồm: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Áo dài và Dao Quần trắng. Trong đó, người Dao Đỏ được biết đến với nhiều nét văn hóa đặc trưng với gần 300 năm lịch sử.

Dao Tuyển Phong Thổ - Lai Châu

Được biết đến là một trong những huyện nằm ở cực Bắc của tỉnh Lai Châu. Phía Đông của huyện giáp với huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai, phía Đông Nam giáp huyện Tam Đường và thành phố Lai Châu, phía Nam giáp với huyện Sìn Hồ. Còn phía Tây, phía Bắc và Đông Bắc của huyện Phong Thổ giáp với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.

Các điểm tham quan tại Phong Thổ Lai Châu

Cao nguyên Dào San: Cách thành phố Lai Châu khoảng 60km về phía Bắc. Dào San là nơi ở của rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác nhau từ người Mông, Dao đến người Thái, người Hà Nhì.

Chợ Dào San: Phiên chợ mang đậm nét văn hóa của bà con vùng cao nơi đây. Chợ Dào San là phiên chợ của đồng bào dân tộc 8 xã biên giới tại huyện Phong Thổ Lai Châu.

Suối nước nóng Vàng Pó: Suối nước nóng Vàng Pó nằm tại bản Vàng Pó, huyện Phong Thổ. Để có thể đến được đây, bạn chỉ cần đi dọc theo quốc lộ 4D, suối nước nóng nằm trong cụm du lịch nổi tiếng của xã Mường So cùng với khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng.

Cửa khẩu Ma Thù Thàng: Nằm tại xã Ma Li Po – Phong Thổ Lai Châu, cửa khẩu Ma Thù Thàng là một trong những cửa khẩu quan trọng được xem là mũi nhọn để thúc đẩy nền kinh tế của huyện.

Chợ Sừng – Sì Lờ Lầu: Chợ Sừng là một trong những phiên chợ của đồng bào Dao tại xã Sì Lờ Lầu, Phong thổ. Cái tên “Sì Lờ Lầu” có ý nghĩa là “12 tầng dốc”, nơi đây cao hơn 2000 mét so với mực nước biển, chợ nằm ở xã chót trong 8 xã giáp biên giới, chỉ cách biên giới Việt – Trung đúng 1km.

Thác trái tim: Nằm trên địa bàn xã Sin Suối Hồ, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ, giữa khung cảnh núi non trùng điệp, hùng vĩ mà nên thơ ấy, thác trái tim khiến không ít người mê mẩn và hứng thú.

Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử: Là một trong 5 đỉnh núi cao nhất của Việt Nam nằm tại xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ Lai Châu. Đỉnh núi có độ cao 3045 mét so với mực nước biển.

Hang Tiên Sơn: Nằm tại xã Bình Lư, huyện Phong Thổ Lai Châu, Hang Tiên Sơn là một trong những hang động đá đẹp hiếm hoi còn giữ được những nét hoang sơ cho đến tận ngày nay.

Đền thờ Nàng Han: Là một trong những điểm du lịch tâm linh bạn không nên bỏ lữo khi đến với Phong Thổ Lai Châu. Nằm tại 2 bản là bản Tây An, xã Mường So và bản Phai Cát, xã Khổng Lào, đền thờ là một trong những địa điểm thờ cúng nữ anh hùng trong truyền thuyết – Nàng Han.

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ đã bị mai một dần theo thời gian. Bảo tồn những giá trị văn hoá người Dao là việc làm cần thiết để góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng