Đến biển Quang Lang bạn như bị thôi miên bởi cảnh sắc bình minh của một vùng biển hoang sơ nhưng bình yên và rực rỡ đến lạ kỳ, bên cạnh đó là hình ảnh những ngư dân đẩy xiệp trên biển toát lên vẻ đẹp trong lao động của người dân nơi đây.

Biển Quang Lang - hay còn gọi là vùng biển không chân trời - thuộc xã Thụy Hải, huyện Thái Thuỵ của tỉnh Thái Bình.

Từ xa nhìn những người đẩy xiệp lúc giơ gọng lên cao, lúc hạ xuống thấp giống như một cánh buồm căng gió, chúng ta tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng kỳ thực rất nặng vì hai cây tre quá dài, người yếu sức không thể thao tác nổi. Vào mùa nước lớn, người đẩy xiệp còn phải đi cà kheo để đẩy xiệp bắt cá.

Khoảnh khắc bình minh trên biển Quang Lang.

Đây cũng là một đặc sản của vùng biển này. Xiệp là một ngư cụ cổ truyền được làm bằng 2 cây tre dài. Hai cây tre dài và thẳng được kết hợp lại thành một cái gọng hình chữ V, gọi là gọng tre. Trên gọng tre người ta mắc một tấm lưới dầy giống như hình chiếc dù. Khi đẩy tới, tôm cá sẽ lọt vào lưới mà không thoát ra được.

Cảnh sắc bình minh hoang sơ, bình yên và rực rỡ bên cạnh hình ảnh những ngư dân đẩy te bắt cá đầy cuốn hút đến lạ kỳ.

Biển Quang Lang thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ của tỉnh Thái Bình. Đường từ Hà Nội đến Quang Lang không xa nhưng để đến được đúng vùng biển đẹp đẽ này bạn cần phải có một hướng dẫn viên. Và rất may mắn chúng tôi có một người bạn là một giáo viên dạy hoạ, một nhiếp ảnh gia có rất nhiều ảnh đẹp về vùng biển này dẫn đi.

Diêm Điền một cái tên thân quen đã đi vào bài hát "Nắng ấm quê hương" về vùng quê lúa Thái Bình.

Mỗi khi nước thủy triều rút xuống để lộ ra vùng đất ngập nước rộng hàng chục ha với nhiều loại thuỷ sản như cá, tôm, ốc móng tay… Đây cũng chính là sinh kế hàng ngày của nhiều người dân sống ven biển Quang Lang.

Ảnh trong bài viết còn được chụp cả ở bãi biển Thuỵ Xuân, Thái Thuỵ

Từ lúc trời còn chưa sáng, thậm chí nửa đêm, tùy theo con nước, đã có người dân ra biển bắt đầu một ngày kiếm sống. Công việc của họ là đi xiệc (te) tôm bằng một mảnh lưới buộc trên hai thanh tre và một đôi cà kheo.

Trước bình minh, những người ngư dân đẩy xẹp đẹp như một bức tranh.

Dưới ánh bình minh rực rỡ, từng động tác mưu sinh thường nhật của người dân tạo thành những nét đẹp kỳ ảo vẽ vào mặt biển và nền trời. Những người đàn ông da sạm nắng gió giống như các “vũ công” nhảy múa trên mặt biển.

Những người kéo xiệp trước bình minh. Những tia nắng đầu tiên trên trên biển báo hiệu một bình minh rực rỡ. Là một người yêu nhiếp ảnh phong cảnh, chắc chắn sẽ làm bạn mê mẩn.

Mặt trời ló rạng là khoảnh khắc đẹp huyền ảo mà ai cũng muốn chiêm ngưỡng. Khi đó, mọi cảnh sắc đều nhuốm màu bình minh, còn mặt trời như quả cầu lửa đỏ rực từ từ nhô lên.

Mặt trời càng lên cao, sự vất vả càng tăng lên. Dưới cái nắng đang dần gay gắt, họ tranh thủ nghỉ ngơi tại chỗ dăm phút rồi lại tiếp tục công việc của mình.

Đứng trên đôi cà kheo, thao tác từng cử động dứt khoát, những vũ công trên biển Quang Lang chăm chú vào công việc của mình. Cần cù “nhặt nhạnh từng chút quà của biển”, ít nhiều mỗi ngày, họ kiếm thêm được từ vài trăm ngàn cho đến cả triệu đồng nếu may mắn để trang trải thêm cho cuộc sống.

Đến khi mặt trời lên quá đỉnh đầu cũng là lúc nước cạn hết, họ kết thúc một ngày làm việc trên biển, sửa soạn trở về tiếp tục các công việc đồng áng khác. Khi đó, lại là lúc có rất nhiều người, phần lớn là phụ nữ tỏa ra bãi biển để bắt ốc móng tay…

Trở về từ biển, dù thu hoạch được ít hay nhiều, nhưng họ đều vui vẻ với một ngày làm việc. Với họ, ra biển sớm không chỉ là mưu sinh, mà còn là tình yêu đối với vùng đất nơi mình đang sinh sống.

Những hình ảnh về biển Quang Lang đã làm nên tên tuổi của nhiếp ảnh gia Tô Mạnh. Qua góc máy của anh mà nhiều người biết đến quê hương "5 tấn" vang bóng một thời.
Hàng năm có hàng trăm nhiếp ảnh gia về vùng biển Quang Lang để tác nghiệp và trải nghiệm.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Tô Mạnh