Hà Giang vẫn luôn mang trong mình vẻ đẹp khó cưỡng như cô gái Digan đầy hoang dại, thu hút du khách bởi vẻ đep hoang sơ. Hà Giang chẳng có những toà nhà chọc trời, những trung tâm thương mại hay khu vui chơi giải trí sầm uất, chỉ có những vách núi dựng đứng, triền dốc và thung lũng sâu chìm trong mây, tỏa hơi lạnh ngắt, những ngôi nhà cổ, ruộng bậc thang và chén rượu nồng bên bếp lửa giữa đêm đông giá rét…. Mỗi mùa Hà Giang lại có những vẻ đẹp riêng, những nét duyên dáng để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách. Nhưng có lẽ Hà Giang đẹp nhất là vào mùa xuân, khi mà "đá cũng nở hoa".

Sau một mùa đông lạnh giá và buồn hiu hắt, đất trời Hà Giang như được thay một chiếc áo mới khi mùa xuân gõ cửa. Du khách đến với mảnh đất du lịch Hà Giang những ngày mùa xuân dường như ngẩn ngơ bởi vẻ đẹp đầy quyến rũ của những cánh hoa nở trên miền núi đá nơi địa đầu Tổ quốc này. Những cánh hoa mận trắng tinh khôi, những cánh hoa đào thắm e ấp, sắc vàng hoa cải rực rỡ cả một vùng, tất cả quện hòa lại tạo thành một hình ảnh đặc sản của mảnh đất đặc biệt này.

Mỗi dịp xuân về suốt 10 năm nay, anh Nguyễn Hữu Thông (Bắc Giang) lại tìm đến cao nguyên đá để ghi lại cuộc sống đầy màu sắc tại đây. Tác giả bộ ảnh cho biết, mỗi dịp xuân về, anh thường lang thang khắp rẻo cao Hà Giang để sáng tác, từ Phố Cáo, Lũng Táo, Sủng Là, Sà Phìn... ở Đồng Văn tới Tráng Kìm (Quản Bạ) hay Hoàng Su Phì.

Bộ ảnh được anh chụp chủ yếu tại các xã của huyện Đồng Văn (Hà Giang), phố Cáo Hà Giang nằm trên quốc lộ 4C, là một xã thuộc huyện Đồng Văn, cách cao nguyên đá Đồng Văn chưa đầy 20 km. Ngày nay khi mà cuộc sống ngày càng phát triển, thời đại 4.0 lên ngôi nhưng tại phố Cáo Hà Giang vẫn giữ được nét hoang sơ, bình dị đặc trưng của cuộc sống nơi cao nguyên đá khi xưa.

“Các chuyến chụp ảnh mùa xuân Hà Giang được tôi thực hiện từ năm 2010, mỗi lần là một cảm xúc khác nhau. Những hình ảnh cây đào mọc bên bờ rào đá và nhà trình tường hiện không còn nhiều như xưa. Mái lợp fibro xi măng đang thế chỗ ngói âm dương, gạch ba banh thay tường đất”, anh Nguyễn Hữu Thông chia sẻ.

Tại phố Cáo Hà Giang cái mà bạn có thể nhìn thấy nhiều nhất đó chính là những ngôi nhà trình tường màu vàng. Đây là nơi ở của 4 dân tộc chủ yếu đó chính là Mông, Dao, Pu Péo và Hán. Nằm xen kẽ bên những ngôi nhà nhỏ chính là những vườn hồng và những thửa ruộng tam giác mạch khi tới mùa nở rộ.


Đến Hà Giang mà chỉ để check in chụp ảnh thì quả thật là một thiếu sót, đi sâu vào từng bản làng khám phá văn hóa và cảm nhận cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại đây sẽ là một trải nghiệm thú vị đó.

Đồng bào dân tộc M'Mông tại Hà Giang chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy, trồng ngô làm lương thực chính. Bên cạnh đó, họ còn trồng các cây khác: Đậu tương, khoai, dong giềng. Cây ăn quả: Mận, Táo, Lê, Đào... và các cây dược liệu: Xuyên khung, ý dĩ... Khi mùa xuân về, nắng ấm thay cho những ngày đông lạnh giá cũng là lúc người dân bắt đầu một vụ mùa mới.


Mùa Xuân đến khắp nơi nơi hoa đào, hoa mận nở trắng tràn đầy sắc xuân, cả vùng cao nguyên như ngập trong sắc hoa. Những rừng hoa đào, hoa mận nở rực rỡ trên những ngọn núi hùng vĩ tạo nên một khung cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Giống như trong bài hát Hà Giang ơi của tác giả Quách Beem, xuân về cao nguyên đá Hà Giang sáng bừng kỳ vĩ bởi được khoác lên mình xiêm y mới với muôn màu sắc của các loài hoa như đang mời gọi du khách đến thăm vùng đất rẻo cao nơi địa đầu tổ quốc này.
Đây Hà Giang nắng hồng gọi mây
Bức tranh đẹp ngỡ là tiên cảnh
Núi nghiêng mình yêu thương
Cao nguyên đá sáng bừng kỳ vĩ

Bài viết: Phuong Hoa
Ảnh: Nguyễn Hữu Thông