Đâu đó trong những chuyến đi về miền Đông Bắc, người ta chẳng thể nào quên được những đứa trẻ em vùng cao Hà Giang với đôi mắt đen nháy, đôi má ửng hồng, cùng nụ cười giòn tan thơ ngây vang đi trong không gian rộng lớn.
Đến với vùng đất địa cầu cực bắc Hà Giang không chỉ lạc vào cảnh sắc thiên đường cảnh sắc hùng vĩ với cao nguyên đá khắp các huyện Quảng Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc... mà còn bắt gặp những nét đẹp thơ dại, những ánh mắt trong sáng của những đứa trẻ của núi rừng.
Hiểm nguy, hùng vĩ và thơ mộng, những đỉnh núi cao bất tận, vô danh, đời đời mù sương phủ,… đó là vùng đất Hà Giang địa đầu tổ Tổ quốc, nơi chỉ có đá và đá giữa lưng chừng trời từ 800 – 1200m so với mực nước biển. Du khách vượt qua những cung đường hiểm trở đặt chân lên mảnh đất ấy, không ai về miền xuôi mà lòng không canh cánh về cuộc sống của trẻ em Hà Giang nơi cao nguyên đá.
Chẳng cần phải nói nhiều, những cao nguyên xa xôi đâu chỉ hớp hồn bởi cảnh sắc hoang sơ hữu tình, những ngôi nhà trình tường vách đất, những hàng rào đá được che phủ bởi thảm hồng đào bung, sắc hoa mận trắng, đâu chỉ là những cung đường hun hút, ngoằn ngoèo đầy gió lộng… mà trên hết điều khiến người ta không khỏi lưu luyến khi rời xa nơi đây đó chính là hồn trẻ trên núi cao. Nét mê hoặc khách thập phương chính là gương mặt hồn nhiên đến ngơ ngác, cái vẻ nhem nhuốc đến tội nghiệp mà rất đỗi đáng yêu của các em nhỏ.
Bộ ảnh “Những em bé vùng cao nguyên đá” được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Hoàng Dưỡng. Anh chia sẻ: “Mình đã du lịch nhiều nơi cùng bạn bè, tuy nhiên mình muốn có gì đó khác lạ hơn một chút, thử thách bản thân hơn một chút cũng như thích núi rừng và những cung đường đèo nên quyết định du lịch Hà Giang một mình vào mùa hoa tam giác mạch. Mình chụp rất nhiều, nhưng những hình ảnh em bé ở đây vẫn luôn làm mình ấn tượng nhất”.
Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo của Việt Nam. Trẻ em tại các huyện vùng cao của Hà Giang có cuộc sống khó khăn, nhiều em không đi học mà phải lên nương, đi buôn bán nhỏ lẻ phụ giúp gia đình từ sớm. Đa phần các em sẽ bán hoa cải, hoa tam giác mạch và đặc sản Hà Giang cho khách du lịch.
Yêu tha thiết ánh mắt trong mà sâu vời vợi, tóc cháy vàng, nước mũi chảy ròng ròng, những đứa trẻ phong phanh trong cái rét cứa da cứa thịt của rừng núi. Bố mẹ bận lên nương rẫy nên bọn trẻ tự chăm nhau. Đứa lớn chừng 8-9 tuổi thì đi hái đót làm chổi về bán, cũng có đứa vừa trông em vừa giặt đồ trên suối, bàn tay tím ngắt vì làn nước buốt lạnh. Đứa nhỏ hơn chị biết quanh quẩn bên chị hoặc nghịch đất quanh nhà.
Có em nhà gần con sông, con suối thì đem lưới ra giăng kiếm con tôm, con tép ăn qua bữa. Có em lên rẫy hái rau, mót của sắn, củi về ra chợ đổi gạo. Cũng có những em bưng khay ra bờ suối đãi vàng, nếu không có việc gì thì phụ bố mẹ bê chén bát ra sông ngồi rửa… làm cho người ta không khỏi xót xa, ngậm ngùi về cuộc sống còn cơ cực của trẻ em vùng cao Hà Giang. Tùy vào điều kiện mỗi em sẽ tự tìm cho mình một công việc phù hợp để thích nghi.
Giữa cuộc sống còn đầy khó khăn, thiếu thốn, gương mặt trẻ thơ vẫn bừng sáng những nụ cười. Trò chơi của lũ trẻ cũng thật đơn giản, chúng trượt máng đất, lăn bánh xe, đào đất hoặc đơn giản là lang thang núi đồi. Du khách ngạc nhiên thích thú trước hình ảnh trẻ em Hà Giang cõng những gùi hoa, mặc trang phục dân tộc truyền thống rực rỡ đứng bên dốc Thẩm Mã sẵn sàng chụp ảnh.
Các em không phải người mẫu chuyên nghiệp, thế mà thước ảnh mang về ai cũng không khỏi canh cánh trong lòng sao những đôi mắt trẻ thơ ấy lại trong và sâu thẳm đến lạ kỳ. Vẻ lam lũ nhuốm lên ánh mắt ngây thơ khi cái đói, cái nghèo vẫn hiện diện trên cao nguyên đá.
Trẻ con vùng cao Hà Giang thường rất nhút nhát, rụt rè. Đôi khi chỉ cần bạn giơ máy ảnh lên là chúng chạy, bật khóc hoặc quay mặt đi sợ hãi. Để có những bức ảnh tự nhiên, cần phải kết thân, làm quen, cười tươi chuyện trò cùng các em. Khi đã thân quen những em bé tự nhiên tạo dáng chụp hình. Bạn có thể mua cho chúng những chiếc kẹo, các em rạng ngời chia nhau rồi cùng vô tư nô đùa.
Yêu lắm, thương lắm những đứa trẻ trên cao nguyên đá cheo leo. Mong rằng cuộc sống nơi đây sẽ ngày một khấm khá hơn. Nhiếp ảnh gia Hoàng Dưỡng chia sẻ: “Mình mong muốn các em vẫn đẹp như vậy, ngây thơ như vậy, thoải mái tự nhiên như vậy, mong các em có thể sống đúng lứa tuổi của mình như những trẻ em vùng khác”.
Sắc màu rực rỡ của những bộ trang phục truyền thống, của những gùi hoa, những nụ cười vừa dè dặt nhưng cũng thật hồn nhiên... đã góp phần dệt nên bức tranh thật ấn tượng về thiên nhiên và con người của vùng đất nơi địa đầu tổ quốc - Hà Giang.
Bài viết: Minh Tuệ
Ảnh: Hoàng Dưỡng