Thấu hiểu được những vất vả, khó khăn và bằng những tấm lòng yêu thương của mình, nhiếp ảnh gia Cáo Ducatista đã thực hiện bộ ảnh về cuộc sống của trẻ em nơi vùng cao Tây Bắc khiến biết bao nhiêu người phải trầm trồ khen ngợi.

Trẻ con ở vùng cao Tây Bắc.

Không giống như những trẻ em ở thành thị, trẻ em vùng cao có cuộc sống khó khăn vất vả, thiếu thốn từ cái ăn cái mặc đến chỗ vui chơi và học hành, những em bé lớn thì phải lên rẫy phụ cha mẹ, còn các em nhỏ hơn thì ở nhà. Tuy cuộc sống với bao nhọc nhằn nhưng trên gương mặt các em bé vùng cao luôn rạng ngời niềm vui với ánh mắt thơ ngây trong sáng.

Chiếc gùi đầy hoa của em bé vùng cao.

Mảnh đất Tây Bắc đã lôi cuốn biết bao du khách bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên, vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống hàng ngày của người dân vùng cao và cả nét hồn nhiên, ngây thơ của những đứa trẻ vùng núi.

Em bé vùng cao trong bộ trang phục truyền thống dân tộc.
Tây Bắc đẹp từ những cung đường cho đến ruộng bậc thang - vẻ đẹp bình dị làm đắm say lòng người.
Trong khung cảnh hùng vĩ của núi rừng là cuộc sống giản dị của người dân vùng cao.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng thật dễ bắt gặp nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng.
Nụ cười, ánh mắt của các em nhỏ vùng cao vẫn luôn toát lên sự hồn nhiên trong sáng đến lạ kỳ.
Nét đẹp của trẻ em luôn là một trong những điểm thu hút dân du lịch, những tay thợ ảnh đến với vùng cao.
Những đứa trẻ vùng cao biết lao động từ khi còn rất nhỏ, đứa thì biết trông em từ khi còn bé tí, đứa thì gùi hoa cho khách du lịch chụp ảnh kiếm tiền từ du khách.

Khí hậu vùng đồi núi cao nguyên quanh năm phủ sương mù rất lạnh, từ em bé đến người lớn luôn mặc trang phục dày để giữ ấm cơ thể, tuy nhiên do điều kiện thiếu thốn nhiều em bé vùng cao chỉ mặc một lớp áo mỏng manh, bữa cơm thường rất ít khi có thịt mà chỉ là cơm trắng với nước canh loãng, trông thấy những cảnh như thế khiến du khách đến vùng cao không khỏi xót xa, nghẹn ngào.

Cuộc sống khó khăn của trẻ em vùng cao.

Những em bé vùng miền núi Việt Nam phải ăn cơm độn khoai, sắn hàng ngày, đối với các em một bữa cơm với thịt cá đầy đủ, những bộ áo ấm, những đôi dép không cần đẹp thôi cũng là một giấc mơ xa xỉ mà các em chưa bao giờ nghĩ đến.

Lũ trẻ bên núi đồi Tây Bắc.

Hàng ngày ngoài giờ đến trường các em bé vùng cao thường theo cha mẹ lên rẫy phụ giúp việc cày cuốc, trồng trọt, còn các em bé nhỏ hơn thì ở nhà hoặc đôi khi được mẹ địu trên lưng cùng ra rẫy.

Trẻ em ra đồng phụ ba mẹ.

Nhiều người tự hỏi rằng cái ăn cái mặt còn thiếu thốn thì chỗ chơi đùa giải trí cho các em bé vùng cao như thế nào? Các em vui chơi ở đâu? Công viên rộng lớn với các trò chơi hiện đại như ở thành thị còn là một điều quá xa vời, trò giải trí của trẻ em ở đây thường là các trò chơi dân gian bình dị không kém phần hấp dẫn như: cà kheo, ném cù, nhảy dây, chạy xe gỗ,...

Chị gùi em.
Đánh đu là trò chơi dân gian ưa thích của nhiều em bé người dân tộc ở miền núi.
Đánh quay ở Phiêng Cành.

Đánh quay hay còn gọi là đánh cù là trò chơi dân gian nổi tiếng của các trẻ em vùng cao, trong đó có trẻ em dân tộc Mông, đây là trò chơi thường dành cho các bé trai chơi với nhau, trò chơi này khá nguy hiểm nếu lỡ cù bị ném vào mặt hay đầu.

Trẻ em đẹp hồn nhiên bên lũy tre làng vùng cao.

Khi phụ giúp việc ngoài ruộng rẫy, cũng là những lúc vui đùa của các em bé vùng cao, hình ảnh cười tươi trên lưng trâu hay chạy đuổi bắt ngoài nương rẫy nô nức tiếng reo hò của các em bé ngày nay là những hình ảnh cũng ít thấy ở một số vùng nông thôn Việt Nam.

Các chị gái đeo gùi đi làm đồng.
Một buổi chiều tà nơi vùng cao Tây Bắc.
Mùa Đông ở Tây Bắc.
Trang phục Hà Nhì trên nền tuyết trắng.
Đồi hoa màu tím.
Quê hương là cánh diều biếc, tuổi thơ con thả trên đồng.
Vẻ đẹp ngây thơ, trong trắng của em bé vùng cao.
Màu vàng thương nhớ.
Có một điều các em bé vùng cao luôn “giàu có” đó là niềm vui và nụ cười trên gương mặt thánh thiện của mỗi em...

Tạm biệt các em vùng cao Tây Bắc nhé! Chúc các em luôn mạnh khỏe, luôn hé nở nụ cười trên môi.

Nhiếp ảnh gia Cáo Ducatista hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Cáo Ducatista