Những câu ca dao “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”, “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…” thể hiện sự gần gũi, gắn kết giữa con trâu với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người Việt Nam từ xưa. Tuy nhiên, thời kỳ công nghiệp hóa phát triển, vai trò của con trâu trong nông nghiệp dần mất đi, số lượng người nuôi trâu cũng rất ít ỏi. Đó là chưa kể, “nghề” nuôi trâu đâu phải “dễ ăn”!

Nghề “gia truyền”

Để hiểu rõ hơn về nghề nuôi trâu, chúng tôi tìm đến xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) - nơi còn sót lại một số hộ nuôi trâu “gia truyền”. Khoảng 10 năm trước, người nuôi trâu còn nhiều, trâu được dùng vào việc kéo lúa, cày bừa… Khi máy móc thay thế, trâu “thất nghiệp” ngay. Chưa kể, hiện nay nhiều khu vực đồng ruộng làm lúa khép kín, không thể thả trâu đi ăn cỏ được nữa.

Trong khí trời lành lạnh, chúng tôi ngồi uống trà ở quán nhỏ của gia đình anh Lâm Văn Phong (sinh năm 1975), nghe anh kể câu chuyện hơn nửa đời người gắn liền với trâu: “Tính đến nay, đã hơn 25 năm gia đình tôi sống bằng nghề nuôi trâu. Không có đất canh tác, cha mẹ để lại cho anh em chúng tôi mỗi người 1-2 con trâu làm vốn. Phần lớn thời gian trong ngày, tôi dành vào việc chăm sóc trâu tại nhà, vì nuôi trâu trong chuồng mất nhiều công sức hơn so các vật nuôi khác. Không có đất, vốn liếng cũng không, khó gầy đàn nên tôi chỉ nuôi được khoảng 3-4 con. Trong đó, phải có trâu mẹ để sinh sản, còn lại là nghé (trâu tơ) để bán”.

Nuôi trâu tại nhà cực hơn việc mang trâu đi thả ngoài đồng. Bình quân một con trâu ăn khoảng 100kg cỏ/ngày. Vì vậy, anh phải đi khắp nơi kiếm cỏ cho chúng ăn. Cơ thể trâu rất cần nước, mỗi ngày chúng phải được “nằm nước” ít nhất 3 lần, mỗi lần trên 15 phút. Nếu “thiếu cữ”, cơ thể chúng không thoải mái, chúng “quậy” liên tục trong chuồng.

Thành thử, lúc nào cũng phải canh giờ mở chuồng cho trâu đi nằm nước dưới kênh. Kẹt công việc quá thì nhờ “đồng nghiệp” gần đó lùa trâu đi cùng. Mấy anh em của anh Phong đều có vài ba con trâu lập nghiệp. Nuôi riết cũng mến tay, mến chân, xem đó là một thành quả tốt đẹp có được sau bao ngày vất vả. “Tuy công việc cực nhọc, nhưng mỗi khi ngồi nghỉ ngơi, uống nước, nhìn qua chuồng thấy nghé con chạy, bỗng dưng trong lòng tôi vui vui, bao nhiêu mệt mỏi mất hết” - anh Phong cười.

Những ngày rong ruổi

Cũng như gia đình anh Phong, gia đình ông Phạm Văn Nhàn (sinh năm 1970, ngụ xã Phú Hữu, An Phú) cũng lập nghiệp bằng nghề nuôi trâu, từ vài chục con thả đồng, giờ còn vài con cầm chừng lo kinh tế. Dẫu vậy, ký ức những tháng ngày “hoàng kim” luôn trong lòng ông. “Trước đây, không chỉ nhà nông, nhà nhà đều có trâu, không nhiều thì ít. Mỗi khi vừa xong mùa gặt lúa thì ngoài đồng nhìn chỗ nào chỗ nấy đều có trâu ăn cỏ. Trẻ con cỡi trâu, giỡn tung tăng trên đồng. Ngày nay, các thiết bị tiên tiến, hiện đại khiến con trâu “hết thời”. Đất trống khan hiếm, đâu còn chỗ để nuôi trâu thả đàn!” - ông chép miệng.

Ông Nhàn cho biết, nếu nuôi trâu số lượng nhiều thì phải đưa đi khắp nơi tìm cỏ, có chuyến kéo dài 5-6 tháng mới về nhà. Cuộc “di cư” diễn ra từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, huy động vài người theo chăn trâu. Đến mùa nước nổi, cánh đồng lúa biến thành biển nước mênh mông, đi lại rất khó khăn (nên người ta hay gọi là “mùa len trâu”). Khi đồng ruộng vào vụ mới, mạnh ai nấy đưa trâu về, quay sang kiếm rơm cho chúng ăn. Để trâu không bị lạc hay chạy lung tung khi thả đồng, trong đàn trâu phải có con “thủ lĩnh”. Lúc đưa chúng đi ăn, người ta chỉ cần quản lý con đầu đàn. Thấy con đầu đàn đi đâu, những con còn lại đi theo. Nếu đưa đàn trâu quay về đến điểm ăn đã ghé trước đó, không cần con đầu đàn đi trước nữa, cả đàn vẫn tự giác nối đuôi nhau đi.

Theo ông Nhàn, tùy theo chủ lựa chọn trâu đầu đàn là đực hoặc cái. Với ông, ông sẽ chọn con trâu cái, vì chúng không những khỏe mạnh, mà còn sinh sản tốt. Đặc biệt, trâu cái có con sẽ hung dữ hơn trâu đực, giao cho chúng giữ đàn rất an tâm. Còn nếu chọn trâu đực thì phải chọn con khỏe mạnh, dạy dỗ từ lúc chúng còn nhỏ, cho đến khi chúng thành thạo và hiểu được hành động của chủ thì chính thức trở thành trâu đầu đàn”.

Con trâu là đầu cơ nghiệp

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”

Cũng là nông dân chăn nuôi trâu, nhưng cuộc sống gia đình anh Đoàn Văn Chạy (sinh năm 1979, ngụ xã An Nông, Tịnh Biên) khác hơn một chút. Sinh sống bằng nghề trồng lúa, chăn nuôi gà, vịt, nhưng một bước ngoặt đã khiến anh chuyển sang nghề nuôi trâu. Cách đây khoảng 8 năm, người em muốn bán cặp trâu đang nuôi để đi làm ăn xa. Anh thấy tiếc, chia lại rồi mua thêm 1 con nữa. Rồi dần dần, trâu sinh sản được hơn chục con.

Tôi tìm đến nhà gặp anh Chạy, cũng là lúc anh vừa về đến nhà sau khi đưa đàn trâu ra khu cánh đồng ngang nhà ăn cỏ. Do nhà có nhiều đất ruộng, cùng với tận dụng được khu đất trống trước nhà để trồng cỏ nên việc nuôi trâu sinh sản đối với anh Chạy không quá cực so với “đồng nghiệp” khác. Từ nhà đến chỗ thả cho chúng ăn, đi về chừng 2km. Mỗi buổi sáng, anh Chạy dẫn đàn trâu qua sông, lùa đến nơi cho ăn, rồi anh quay về. Xế chiều, anh trở lại, đưa chúng ngược về chuồng.

Anh Chạy đưa tôi ra chỗ đàn trâu, chỉ tay về hướng chúng đang ăn cỏ. Nhìn xa xa chỉ thấy được vài con đang nằm nước, anh bảo đó là những con trâu đầu đàn được buộc dây cố định. Nhiệm vụ của chúng là giữ các con khác không đi lạc. Tôi theo chân anh băng qua nhiều thửa ruộng ngập nước. Anh Chạy tâm sự, những con trâu này mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình anh. Sau gần 10 năm đến với nghề nuôi trâu, hiện nay anh Chạy có được bầy trâu 12 con. Đây cũng là thành quả nhiều năm anh tích góp được để đầu tư cho các con mình ăn học thành tài.

Có lẽ, nghề nuôi trâu thật sự mai một. Nhưng nghề này sẽ không mất đi, mà vẫn được duy trì ở mức độ nhất định, vì thị trường vẫn còn nhu cầu mua bán. Những câu chuyện, những nhân vật trong bài viết này rồi sẽ trở thành dĩ vãng, nhắc nhở chúng ta ký ức làng quê tuy vất vả, nhưng thanh bình, đầy hoài niệm khó quên.

Nguồn dẫn: NGUYỄN HƯNG/ Báo An Giang

Link bài gốc: https://baoangiang.com.vn/-nghe-nuoi-trau-a295428.html