Để công chúng ngày nay hiểu hơn về phong vị Tết xưa nơi cung đình, hàng năm Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức buổi tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa thực cảnh.

Các nghi lễ phong tục trong cung đình được tái hiện chân thực.

Chương trình được thực hiện như một sự kế thừa những giá trị nhân văn, tinh thần lạc quan đón năm mới từ các bậc tiền nhân và làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Tết Nguyên đán là ngày tết cổ truyền lớn ở nước ta với nhiều phong tục truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc. Dưới triều Nguyễn, Tết Nguyên đán được coi là một trong những lễ tiết lớn nhất trong năm và cung đình đón Tết với nhiều nghi lễ long trọng.

Du khách có dịp tìm hiểu về lịch sử đón Tết trong cung đình.

Vào thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), Nguyên Đán là một nghi lễ triều hội của triều Nguyễn, tổ chức vào ngày mùng một tết với nghi thức thiết đại triều ở điện Thái Hòa và thiết thường triều ở điện Cần Chánh. Theo sử liệu, để chuẩn bị cho lễ Nguyên đán, Bộ Lễ chuẩn bị các nghi vệ, tự khí đặt ở đại triều ở điện Thái Hòa, đặt ở thường triều ở điện Cần Chánh. Chương trình thực cảnh được tái hiện với sự tham gia diễn xuất từ đội ngũ chủ chốt những nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Các vai được thể hiện như quan văn quan võ, thân công hoàng tử, quan truyền chỉ, quan Bộ Lễ cùng đông đảo đại thần, triều thần...

Khởi đầu chương trình, nhà vua xa giá từ điện Cần Chánh, ra Đại Cung Môn và lên điện Thái Hòa để thân hành chứng lễ... Trong buổi lễ, các quan sẽ dâng biểu chúc mừng nhà vua. Các quan truyền chỉ ban ân của vua trong dịp Nguyên Đán với các nghi thức trang nghiêm gắn với các tiết mục đại nhạc, tiểu nhạc.

Ngày đầu năm mới, nhà vua đích thân đến cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng. Làm lễ xong, vua ngự ở điện Thái Hòa, bách quan dâng biểu mừng. Sau lễ mừng tết, nhà vua ban yến, thưởng tết cho các hoàng thân, bá quan văn võ cũng như ban ân chiếu rộng khắp cho chúng dân.

Phần thứ hai, nhà vua rời khỏi điện Thái Hòa về lại điện Cần Chánh để tiếp tục các nghi thức Nguyên Đán. Tại đây, các hoàng đệ và hoàng tử nhỏ tuổi, thân công, hoàng tử sẽ lạy mừng vua. Tiếp đó là phần tuyên chỉ ban yến tiệc và thưởng xuân của nhà vua. Cuối cùng là các cuộc yến tiệc do vua ban sẽ diễn ra ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu, Tả Đãi Lậu Viện, Hữu Đãi Lậu Viện.

Cả 2 nội dung tái hiện này đều được diễn ra tại một địa điểm là điện Thái Hòa. Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế lý giải điều này vừa phù hợp với thực tế (vì hiện không còn điện Cần Chánh), vừa phù hợp việc phục vụ du lịch. Tái hiện này không phục dựng, phục hồi lễ Nguyên Đán một cách nguyên bản vì nhiều điều kiện không cho phép cũng như không phù hợp yêu cầu thực tế. Vì vậy, yếu tố dẫn chuyện có ý nghĩa vừa nối kết, vừa thuyết minh, diễn giải và dẫn dắt nội dung để định hướng cho người thưởng lãm.

Đáng chú ý, kịch bản được dàn dựng có lồng ghép những yếu tố “ thời sự” như lời nhắc nhở quần thần, dân chúng cùng nhau vượt qua khó khăn, như lời truyền chỉ vua ban:

“Trẫm từ ngày nối nghiệp, nhận lấy mệnh trời; noi đức Hoàng khảo

Việc Cần Chánh lo liệu hết lòng/Việc trọng nông chuyên tâm hết mực

Đã định lệ Ban Sóc, đã khuôn phép tịch điền

Mà năm qua bão lũ liên miên

Lại còn thêm họa mầm dịch bệnh

Đã yên ủi tỉnh thành gặp thiên tai lũ lụt

Đã ủy lạo mở kho lương cứu đói dân tình...

Thu rũ đông tàn khép lại cùng năm cũ

Xuân sang Tết đến mở sáng cõi đất trời”.

Các nghi lễ đón Tết ở cung đình diễn ra long trọng, tưởng như khác xa với Tết cổ truyền trong dân gian – nhưng thấp thoáng đâu đó, trong từng nghi tiết, trong tâm thức vẫn đề cao chữ Hiếu và trong sự tạm ngưng công việc để thưởng thức tiết xuân ấm áp.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Lê Minh