Mỗi mùa xuân về, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng hưởng cái Tết đầm ấm, sum vầy. Tết Cổ truyền ở những gia đình nhiều thế hệ là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
![](/uploads/wp-content/uploads/2021/12/1-9.jpg)
Đón Tết Nguyên đán ấm cúng cùng gia đình luôn chiếm vị trí quan trọng và quá đỗi thiêng liêng trong tâm khảm mỗi người con đất Việt. Còn gì vui hơn khi được về bên gia đình trong không khí hân hoan chuẩn bị đón năm mới, đầm ấm bên mâm cơm ngày Tết và kể cho nhau nghe bao câu chuyện vui buồn, thành quả đạt được sau một năm cố gắng, phấn đấu. Những bộn bề, lo toan cho cuộc sống phía trước sẽ tạm lắng lại để nhường chỗ cho tiếng cười vui vẻ, hạnh phúc. Qua những câu chuyện ấy và lời chúc tốt đẹp cho năm mới, chúng ta cũng dễ mở lòng, thông cảm để bỏ qua cho nhau những hiềm khích, ấm ức khó nói trong năm. Ngày Tết vì thế mà càng vui, gia đình thêm đoàn kết, gắn bó, góp chung vào niềm vui đón năm mới ở khắp mọi miền quê hương, đất nước.
![](/uploads/wp-content/uploads/2021/12/2-9.jpg)
Một năm 2021 nhiều biến động và xáo trộn bởi dịch Covid-19 càng khiến chúng ta mong chờ tới Tết hơn bao giờ hết. Dù chỉ là trong vài khoảnh khắc bình yên ta được tách mình ra khỏi sự vận động thường ngày, của những lo toan sợ hãi. Những phút giây cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm, cùng ngồi trò chuyện bên nồi bánh chưng, bánh tét, háo hức đón giây phút giao thừa,… là những khoảnh khắc thiêng liêng và được mong chờ nhất.
![](/uploads/wp-content/uploads/2021/12/3-9.jpg)
Tết về, gia đình bà tràn ngập không khí tết xưa. Sau khi cúng giao thừa là phong tục xông đất, hái lộc đầu năm, lì xì, các con cháu lần lượt mừng tuổi, chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ. Các thành viên của gia đình cùng chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng. Những ngày sau đó, gia đình bà đi thăm viếng họ hàng và chúc tết bạn bè, hàng xóm, láng giềng để gắn kết tình cảm.
![](/uploads/wp-content/uploads/2021/12/4-9.jpg)
Chẳng ai nhớ tục mừng tuổi chính thức có từ thời gian nào, song, trải qua thăng trầm của lịch sử đã trở thành nét đẹp nhân sinh hướng thiện trong tâm thức mỗi người Việt. Con cái chúc Tết mừng tuổi bố mẹ, ông bà thể hiện sự hiếu nghĩa, quý trọng, đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục, mong đấng sinh thành sống khỏe, sống lâu. Ông bà, bố mẹ chúc Tết, mừng tuổi con cháu thể hiện sự yêu thương đùm bọc, mong học hành tiến bộ, ngoan ngoãn và trưởng thành. Người thân, hàng xóm chúc Tết mừng tuổi nhau thể hiện mối quan hệ tôn trọng, thân cận, giao hòa trong cuộc sống. Chúc tết, mừng tuổi cũng là dịp để mỗi người thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, động viên nhau, gạt bỏ những tật hư, việc xấu, điều gở, bước sang một năm mới với tinh thần phấn chấn hơn.
![](/uploads/wp-content/uploads/2021/12/5-9.jpg)
Nhiếp ảnh gia Khang Chu Long tâm sự: “Ngày nay, Tết đơn giản hơn Tết của ngày xưa nhiều nhưng gia đình tôi vẫn giữ nếp Tết xưa. Niềm mong ước lớn nhất của tôi chính là cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm gia đình, thưởng thức những món ăn cổ truyền ngày Tết bởi mâm cơm Tết của người Việt mang nhiều ý nghĩa. Bữa cơm gia đình cũng là dịp để con cháu kể cho nhau nghe một năm ngược xuôi vất vả, những câu chuyện buồn vui của năm cũ và cùng chung niềm hy vọng tốt lành, may mắn trong năm mới”.
![](/uploads/wp-content/uploads/2021/12/6-8.jpg)
Dù đi đâu, về đâu thì ai cũng tranh thủ mọi việc để về sum họp ấm áp bên mâm cơm giao thừa, cùng xem Táo quân, hái lộc đầu năm, lì xì, gói bánh chưng, bánh tét... Nhiều phong tục truyền thống Tết xưa được các gia đình lưu giữ làm toát lên vẻ đẹp Tết Cổ truyền của dân tộc. Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị phong tục, tập quán Việt Nam cũng như nuôi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước.
![](/uploads/wp-content/uploads/2021/12/7-8.jpg)
Cũng có một số ít gia đình làm mất đoàn kết nội bộ, trong dòng tộc. Nguyên nhân là do sự thiếu gương mẫu của người làm cha, làm mẹ, hoặc quá trình giáo dục con cái chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Vì thế, để xây dựng mối đoàn kết trong gia đình thì trước hết, mỗi bậc cha mẹ phải là tấm gương sáng về nhân cách sống, thực hiện, giữ gìn nền nếp, gia phong của gia đình, dòng họ, đối xử công bằng với các con. Cùng với đó là chấp hành nghiêm và thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con, cháu thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
![](/uploads/wp-content/uploads/2021/12/8-7.jpg)
Đơn cử ngay trong dịp Tết này, những quy định pháp luật như: Không mua, bán, sử dụng pháo nổ; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, gây rối trật tự, an toàn xã hội, không lái xe khi đã uống rượu, bia… nếu không được cha mẹ, những người có uy tín trong gia đình, dòng họ nhắc nhở, chỉ bảo, giám sát con cháu thì rất dễ dẫn đến những trường hợp vi phạm pháp luật. Với người làm con, cháu, trước hết phải sống đúng đạo làm con, sống hiếu thảo, kính trên nhường dưới…Tin rằng, với tinh thần, trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình cùng sự mở lòng khi chào năm mới, chúng ta sẽ đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong niềm vui đoàn viên, đoàn kết và an toàn, ấm cúng.
Theo cuộc sống hiện đại, Tết Nguyên đán ngày nay có sự thay đổi nhưng vẫn là những ngày ý nghĩa nhất đối với người Việt. Tết Việt không chỉ là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn lưu giữ những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
![](/uploads/wp-content/uploads/2021/12/Khang-Chu-Long.jpg)
Khang Chu Long tên thật là Nguyễn Đăng Việt. Anh là một trong những nhiếp ảnh gia thuộc thế hệ 8X. Hiện anh là thành viên CLB nhiếp ảnh Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội). Là người đam mê xê dịch, Khang Chu Long từng đặt chân tới nhiều quốc gia trên thế giới. Anh có những cái nhìn riêng về thiên nhiên, con người Việt Nam bằng những hình ảnh đẹp để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế. Anh cũng được đánh giá cao trong các cuộc thi, triển lãm ảnh quốc tế về con người Việt Nam.
Bài viết: Minh Tuệ
Ảnh: Khang Chu Long