Phía bên kia Hồ T’Nưng của thành phố Pleiku, con đường thông xã Nghĩa Hưng được coi là con đường đẹp nhất phố núi Gia Lai ngày nay, nơi có hàng thông trăm tuổi tuyệt đẹp, những đồi chè xanh mướt mắt, một ngôi chùa cổ kính và những nương, ruộng, đồn điền cà-phê mọc xen dã quỳ đang mùa ra trái.

Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao.
Đêm trên phố núi

Pleiku thường được nhắc đến với Biển Hồ mênh mông, đồi chè xanh bạt ngàn, hay những con đường thông lá kim lãng mạn… Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể không nhắc đến Quảng trường Đại Đoàn Kết ở phố núi này. Được mệnh danh là trái tim của Pleiku nói riêng và Gia Lai nói chung, Quảng trường Đại Đoàn Kết đã khiến bao người dân phố núi cùng hàng nghìn lượt du khách đến đây phải thổn thức hạnh phúc và tự hào vô bờ bến.

Quảng trường Đại Đoàn Kết 17/3 tại Tp.Pleiku

Được trồng bởi những người công nhân đồn điền Sở Trà thời kì Pháp thuộc, những tán thông già dặn đã lớn lên theo thời gian, kết thành bóng mát trên một con đường liên thôn khiến cho ai ngang qua vùng đất này cũng phải ngỡ ngàng.

Sáng sớm cũng là thời điểm đẹp nhất để thăm quan con đường thông lãng mạn này, trong không khí se lạnh trong lành cùng sương sớm vẫn còn chưa tan.

Người dân ở đây không ai biết rõ hàng thông ba lá đại thụ được trồng vào thời điểm chính xác nào, chỉ biết rằng nó có từ lúc những người Pháp xuất hiện trên vùng đất này và thành lập nên Sở Trà – đồn điền chè đầu tiên trên cao nguyên Pleiku vào đầu thế kỉ XX. Rồi từ người Pháp đổi sang chủ người Tàu đã mở rộng diện tích trồng chè trải dài đến tận chân núi, hơn 100 người công nhân mộ phu người Kinh sống trong những ngôi nhà 40 mét vuông đã lập nên xóm làng đầu tiên tại đây, gọi tên là xóm Trải Mộ, làng Cỏ May.

Ghé thăm hàng thông 100 tuổi trên cao nguyên Pleiku.

Những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu xuất hiện ở Pleiku nhằm mục đích khai khẩn vùng đất phía bắc của tỉnh, họ đã xây dựng nên những đồn điền chè đầu tiên của tỉnh Gia Lai, tiền thân của Biển Hồ chè ngày nay.

Khí hậu mát lạnh của cao nguyên Gia Lai bên cạnh Biển Hồ T'Nưng là điều kiện vô cùng thuận lợi để trồng chè.

Chạy theo con đường liên thôn dài khoảng một cây số, hai hàng thông già chụm đầu thẳng tắp, mỗi gốc thông ba người ôm không xuể tỏa rợp bóng đã che mưa, che nắng cho nhiều thế hệ người dân sinh sống tại đây. Vẻ lãng mạn là thế nhưng vào những chiều đầu mùa mưa, trời nổi giông cũng là lúc hàng thông rũ mình, khoác lên vẻ ma mị, u buồn cùng tiếng gió rít qua tàn lá khiến cho không ít người mới chứng kiến phải “nổi gai ốc”.

Lối vào những đồi chè bạt ngàn phải đi qua hai hàng thông cổ thụ khổng lồ có tuổi đời hơn 100 tuổi.

Qua nhiều biến đổi của lịch sử, hàng thông xanh không còn nguyên trạng ban đầu, một số cây bị đốn hạ do mục gãy nhưng đã được người dân nơi đây trồng mới. Đặc biệt, cuối đường thông dẫn lối vào ngồi chùa Bửu Minh – một trong những cơ sở Phật giáo đầu tiên được xây dựng trên vùng đất Gia Lai. Nằm xa khu dân cư, tọa lạc trong thế gối đầu vào ngọn Tiên Sơn, mặt tiền hướng về phía Biển Hồ nước, mái chùa vươn lên giữa sắc xanh của mây trời đầy uy nghiêm và cổ kính.

Chùa Bửu Minh có phần mái thiết kế như mái nhà rông Tây Nguyên, đặc biệt có kiến trúc kết hợp cả miền bắc, miền trung với kiểu dáng chùa Nhật Bản.
Mặt tiền của ngôi chùa hướng về phía Biển Hồ nước, trong một không gian yên bình hiếm có.

Nhiều bạn trẻ yêu mến vẻ đẹp lãng mạn của hàng thông 100 tuổi này thường gọi nó bằng cái tên “con đường Hàn Quốc”. Những gốc thông già rêu phong, xù xì đủ hình dạng nằm giữa màu xanh của đồi chè đã trở thành địa điểm ngoại cảnh lý tưởng được nhiều cặp đôi lựa chọn để ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc đời. 

Giới trẻ Gia Lai gọi đây là “con đường Hàn Quốc” bởi vẻ lãng mạn không đâu sánh bằng.

Hàng thông được nhiều người nhắc tới này nằm trên con đường đi qua địa phận thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cách TP. Pleiku khoảng 15km. Đường đi từ trung tâm thành phố đến hàng thông 100 tuổi du khách có thể tiện đường ghé qua những địa điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai như Biển Hồ (Hồ Tơ Nưng), chùa Bửu Minh, miệng núi lửa Chư Đang Ya…

Miệng núi lửa Chư Đang Ya

Có một điểm đến đặc biệt không thể bỏ qua khi đến với Biển Hồ chè, chính là ngôi chùa Bửu Minh nằm cuối con đường thông trăm tuổi, bao quanh là những nương chè. Đây là một trong những ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được xây dựng ở Gia Lai.

Đồi chè ở Biển Hồ hiện nay có diện tích đến hơn 1.000ha, khắp nơi đều là một màu xanh mướt của chè, kéo dài đến tận chân những ngọn núi.
Đây được ví như lá phổi xanh điều hòa không khí cho toàn vùng, là điểm du lịch hấp dẫn rất đông du khách, cũng như là điểm chụp ảnh, “check-in” nổi tiếng của giới trẻ Gia Lai.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Trung