Nhiếp ảnh gia Tô Mạnh, tên thật là Tô Quang Mạnh, sinh năm 1965. Anh tốt nghiệp Khoa hội họa ĐHSP Nghệ thuật Trung ương và hiện là giáo viên trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, Khu 7, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

NAG Tô Mạnh còn được biết đến với vai trò là Họa sĩ bối cảnh trong một số phim nhựa như: Khúc mưa, Thầu Chín ở Xiêm…

Vietnam Beauty may mắn có được cuộc trò chuyện độc quyền về nhiếp ảnh gia tài hoa này.

Thầy giáo - Nhiếp ảnh gia Tô Mạnh

Xin chào NAG, nhiều người đến với môn nghệ thuật ánh sáng này đều rất tình cơ rồi trở thành niềm đam mê. Anh có thể cho biết thêm điều gì đã dẫn dắt anh trở thành một nhiếp ảnh gia? Anh đã bắt đầu cầm máy ảnh như thế nào?

Tôi đến với nhiếp ảnh là một sự tình cờ nhưng lại rất hữu duyên khi mình tổ chức cuộc gặp mặt lần đầu tiên Cựu sinh viên các khóa của Trường Cao Đẳng sư phạm Nhạc Họa Trung ương (Nay là ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) tại quê biển của mình năm 2014. Trong dịp này mình có cơ hội gặp một số bạn bè đam mê nhiếp ảnh, họ đã “truyền lửa” cho mình và với chiếc máy ảnh Nikon D50 đầu tiên chú đã bắt đầu đến với nghệ thuật ảnh với sự bỡ ngỡ về thiết bị, kĩ thuật cũng như hậu kỳ nhưng chính vì điều đó mà đã làm mình đam mê, khám phá…

Là giáo viên Mỹ thuật ở một trường THCS nên ít có điều kiện đi nhiều nơi sáng tác ảnh cho nên tôi khai thác vẻ đẹp bình dị của chính quê hương mình đang sống, càng chụp chú càng thấy quê hương mình thật đẹp và tràn đầy cảm xúc khi mỗi tấm hình được thu vào trong ống kính.

Bãi biển Đồng Châu - Quê hương của nhiếp ảnh gia Tô Mạnh.

Trong những chủ đề ảnh của mình, anh thấy chủ đề nào là truyền cảm hứng cho chú nhiều nhất? Vì sao ạ?

Là một nghệ sĩ chụp ảnh thì có thể chụp nhiều thể loại, tuy nhiên chủ đề xuyên suốt và là chủ đạo vẫn là Phong cảnh, đất và người dân vùng quê biển Thái Bình.

Nghề biển là nghề mưu sinh truyền thống của quê hương từ nhiều đời nay và việc đánh bắt hải sản và sinh hoạt đời thường của bà con ngư dân diễn ra hàng ngày đã tạo một cảm hứng đặc biệt, nó vừa mang hơi thở mặn mòi của biển lại vừa thể hiện một nét đặc trưng riêng mà bất kì những con em quê hương xa nhà cho dù ở bất cứ nới đâu khi nhìn ngắm tấm hình đều dâng trào cảm xúc và nhớ về quê hương…

Ở đó có thấp thoáng có bóng dáng của bà, của mẹ hay của anh chị em mình đang tất bật và lam lũ với cuộc sống mưu sinh. Đó chính là lý do tôi muốn chuyển tải vào trong từng tấm hình và là nguồn cảm hứng vô tận khi cầm máy chụp những tấm hình về chính quê hương của mình.

Đời sống của ngư dân cảng cá Tân Sơn, Thái Bình.

Qua góc nhìn của một giáo viên dạy Mỹ Thuật, theo anh thì nhân tố nào quan trọng nhất để tạo nên một tấm ảnh đẹp?

Nhiếp ảnh và Hội họa đều là nghệ thuật của thị giác, hai loại hình nghệ thuật này đều có ngôn ngữ chung về bố cục (Màu sắc, đường nét, đậm nhạt, sáng tối…) cho nên những kiến thức Mỹ thuật đã học được vận dụng được rất nhiều sang nhiếp ảnh. Chính vì thế hầu hết các ảnh chụp của tôi đều phảng phất chất hội họa và đó cũng là phong cách rất riêng mà nhiều người nhận ra ở từng tác phẩm ảnh của mình.

Làng quê cổ kính, nên thơ qua lăng kính của NAG Tô Mạnh.

Là một giáo viên Mỹ thuật nên có rất nhiều thuận lợi để vận dụng kiến thức sang nhiếp ảnh, tuy nhiên nhân tố quan trọng nhất trong Nhiếp ảnh đó là sự kết hợp giữa ý thức, kiến thức và tư duy sáng tạo của bản thân với khoảnh khắc trong thực tế mà chúng ta ghi lại. Ngoài ra thiết bị và khả năng hậu kỳ tốt cũng góp phần không nhỏ để cho đời một tác phẩm ảnh đẹp theo ý của mình.

Khoảnh khắc có thể mang lại thành công hay thất bại cho buổi chụp, đúng không chú?

Đúng vậy! Mọi yếu tố khác rất tốt mà không có Khoảnh khắc tốt thì tấm ảnh trở nên kém giá trị về nghệ thuật cũng như nội dung. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa có lẽ là những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên khoảnh khắc và chính khoảnh khắc sẽ tạo nên một tác phẩm ảnh có thể là vô giá.

Được biết anh từng là Họa sĩ bối cảnh cho một số phim nhựa?

Tôi có một người bạn là đạo diễn của hãng phim truyện Việt Nam, năm 2014 cùng đạo diễn đi tìm bối cảnh với hàng trăm người tham gia trong một cho một đại cảnh phim truyện về Bác Hồ và đã được đạo diễn mời tham gia làm bối cảnh phim, Chú cũng đã tham gia công việc đó ở 2 phim truyện của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.

Chùa Tam Chúc - Ninh Bình

Nhân đây anh có thể giới thiệu sơ lượt về phim Thầu Chín ở Xiêm và Khúc mưa không?

Bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thực hiện. Phim kể về thời gian hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (có biệt danh Thầu Chín) năm 1928 - 1929 ở Thái Lan. Với biệt danh Thầu Chín, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Cũng trong thời gian này, Bác cùng với các đồng chí giúp bà con xây dựng nhà xưởng, trường học, chùa Phật giáo, dạy chữ quốc ngữ, tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và Thái Lan. Bộ phim được dàn dựng công phu với những cảnh quay và diễn xuất vô cùng xúc động, đã cung cấp cho khán giả những hình ảnh, tư liệu sinh động về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của lãnh tụ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Nghi lễ Rước nước trên sông Sào Khê - Tràng An (Ninh Bình).

Còn bộ phim “Khúc mưa” đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khai thác đề tài hậu chiến, xoay quanh hành trình tìm lại nguồn cội của một người đàn ông từng bỏ quê hương ra đi.

“Khúc mưa” là bộ phim về hòa hợp dân tộc thuộc đề tài chiến tranh và hậu chiến xoáy sâu vào tâm trạng một Việt kiều hồi hương những mong thoát khỏi ẩn ức quá khứ đã trói chân mình quá nửa cuộc đời. Bộ phim được coi như một nốt nhạc xua tan nỗi đau và sự hận thù.

Anh sắp xếp như thế nào để cân bằng giữa công việc của một thầy giáo, nhiếp ảnh gia hay họa sĩ bối cảnh cho phim?

Việc tham gia cùng đoàn phim cũng là một thú vui và là một sự trải nghiệm mới, để kết hợp được giữa công việc giảng dạy và tham gia đoàn phim phải có sự quan tâm tạo điều kiện của Ban giám hiệu nhà trường sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để vừa đảm bảo dạy đủ, đúng số tiết quy định vừa có thời gian cùng thử sức trong lĩnh vực điện ảnh. Đây là một trải nghiệm thú vị cũng giúp cho bản thân nhiều kiến thức và hiểu biết để vận dụng vào việc giảng dạy cho học sinh.

Trước thềm năm mới 2022, anh có thông điệp gì cho các nhiếp ảnh gia trẻ, nhiều khát vọng của Việt Nam mình?

Một năm cũ cũng đang dần qua và một năm mới sắp bắt đầu, với lực lượng đông đảo nhiếp ảnh trẻ tài năng, nhiệt huyết, đam mê và năng động, sáng tạo hãy nắm bắt thời cơ và vận hội mới của đất nước để lưu giữ lại những khoảnh khắc ấn tượng nhất về mảnh đất và con người Việt Nam để bạn bè năm châu biết đến mảnh đất hình chữ S nhiều hơn. Cầu mong cho một năm mới kết thúc dịch bệnh Covid-19 để các nhiếp ảnh được tự do bay nhảy gặt hái nhiều thành công với nghệ thuật nhiếp ảnh cùng đam mê.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa có lẽ là những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên khoảnh khắc và chính khoảnh khắc sẽ tạo nên một tác phẩm ảnh có thể là vô giá.

Cảm ơn anh! Chúc anh năm mới vạn sự như ý và luôn có những tác phẩm mới độc đáo!

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: NAG Tô Mạnh