"Nỗi buồn từ lúc tôi mới cầm máy ảnh đến nay vẫn mãi là câu chuyện về bảo tồn những giá trị tốt đẹp, chẳng hạn như di sản, văn hóa hay thiên nhiên. Có nhiều thứ tốt đẹp tôi mới chụp gần đây thôi nhưng bây giờ đã không còn tồn tại nữa. Điều đó thật đáng tiếc", nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt bộc bạch.

Trần Tuấn Việt hiện là nhiếp ảnh gia người Việt cộng tác thường trực cùng National Geographic, đóng góp hình ảnh của Việt Nam trong các dự án cộng đồng của họ. Trước đó, anh làm việc với Getty Images, Google Arts & Culture. Gần mười lăm năm đi cùng nhiếp ảnh đã cho Việt những trải nghiệm quý về nghề nghiệp, giúp vốn sống của anh ngày càng phong phú và cả những giải thưởng đáng tự hào: Huy chương vàng cuộc thi Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế lần 9, giải nhất hạng mục Ảnh Du lịch cuộc thi ảnh quốc tế thường niên của tạp chí Smithsonian… Là người thích truyền tải những điều tươi đẹp và tích cực, kể cả trên các bức ảnh hay khi trò chuyện nhưng có vẻ Việt càng ngày càng muốn trầm tĩnh trên con đường đã chọn khi nói rằng chỉ muốn “săn” giải thưởng để làm thiện nguyện và chăm chỉ giới thiệu với thế giới một Việt Nam đầy tích cực.

Nhân triển lãm cá nhân đầu tiên của Trần Tuấn Việt có tên My Vietnam (Việt Nam của tôi), gồm các bức ảnh tâm đắc nhất đi dọc đất nước để chụp nhiều năm qua, dự kiến sẽ diễn ra trong khuôn khổ Đại hội Nhiếp ảnh quốc tế Xposure ở U.A.E, Người Đô Thị đã có cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những bức ảnh Việt Nam được đăng trên tạp chí và sách ảnh National Geographic này.

Kể chuyện Việt Nam bằng hình ảnh

Nhiều lần anh nói mình chỉ muốn làm người kể chuyện bằng hình ảnh và giới thiệu Việt Nam với thế giới, nhưng vì sao anh không thực hiện chiều ngược lại?

Làm một người kể chuyện bằng hình ảnh để giới thiệu Việt Nam ra thế giới là lựa chọn, là kim chỉ nam cho sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi và luôn là điều tôi muốn cống hiến cho nhiếp ảnh Việt Nam. Chưa bao giờ tôi muốn làm một “travel blogger”. Việc đến một danh thắng trên thế giới, chụp ảnh lại rồi chia sẻ để giúp ai đó có động lực đi du lịch nước ngoài không tạo cảm hứng cho tôi. Có lẽ đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới khó hơn chiều ngược lại nên ít người làm và tôi thường thích làm cái khó. Tôi đã đi khắp Việt Nam cùng với những suy nghĩ ấy.

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt.

Còn những nơi nào ở Việt Nam anh chưa đi và dự định sẽ đi? Điều gì ở đó thôi thúc anh đặt chân đến?

Nếu bạn đặt câu hỏi này cách đây một vài tháng thì câu trả lời của tôi là Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới của Việt Nam. May mắn là tôi vừa có chuyến đi bốn ngày ở đó. Nhóm chúng tôi là nhóm đầu tiên chinh phục Sơn Đoòng trong năm 2021. Một trải nghiệm vô cùng thú vị, đó là chuyến đi của cả cuộc đời.

Trước đó, tôi đã hình dung về một chuyến đi rất khó khăn nhưng thực tế không quá khó, dù chúng tôi vẫn phải vất vả vượt qua những thách thức về độ cao, bóng tối, hang động, sông ngầm và những vách đá cheo leo. Tôi đã rèn luyện thể lực mỗi ngày suốt ba tháng theo quy định khắt khe của đơn vị tổ chức chuyến đi. Tôi cho rằng, Sơn Đoòng là một điểm đến mơ ước của những người thích du lịch khám phá và là một thắng cảnh của Việt Nam có thể cạnh tranh với những nơi đẹp nhất trên thế giới. Không có bức ảnh hay đoạn clip nào có thể lột tả được vẻ đẹp hoang sơ mà hùng vĩ của Sơn Đoòng.

Khi vừa ra khỏi Sơn Đoòng ngay lập tức tôi đã muốn quay trở lại, may quá tôi lại có lời mời chinh phục nơi này một lần nữa trong vài ngày tới.

Tôn giáo và biển hình như cũng là những cảm hứng lớn của anh khi chụp ảnh?

Tôi học được nhiều điều về cuộc sống từ các triết lý của các tôn giáo mình có cơ hội trải nghiệm. Tôi thực sự có cảm xúc mỗi khi chứng kiến các lễ nghi tôn giáo. Mỗi tôn giáo đều có những tinh hoa riêng và đều có giáo lý răn dạy con người sống tốt, sống đẹp. Đó là lý do tôi mong muốn chụp và thể hiện được các triết lý đẹp đẽ đó.

Tôi cũng thích biển. Biển và đời sống của những con người sống gắn liền với biển là một phần rất lớn của bức tranh toàn cảnh Việt Nam, đó là đề tài bất tận của tôi. Trong nhiều năm qua, tôi đã đi dọc hầu hết các vùng biển của đất nước mình rất nhiều lần để ghi lại cuộc sống ở đó.

Dòng sông ngầm trong hang Sơn Đoòng, dẫn đến bức tường Việt Nam ở phía cuối hang.

Anh có bị ảnh hưởng phong cách của ai không? Ai là người truyền cảm hứng cho anh trong công việc?

Tôi yêu thích nhiều nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước, nhưng không thần tượng ai cả. Tôi thấy mình được truyền cảm hứng từ Steve McCurry, một nhiếp ảnh gia lớn người Mỹ. Tôi thích cách ông đi khắp thế giới để ghi lại các bức ảnh về văn hóa, cuộc sống và con người nơi đó. Tôi cũng thích cách ông cống hiến cả cuộc đời mình vì điều đó.

Những góc máy mang cảm xúc mạnh

Trên đường  đi có những câu chuyện nào khiến anh suy ngẫm nhiều?

Có rất nhiều câu chuyện trong hành trình nhiếp ảnh của mình mà tôi nhớ mãi và đọng lại nhiều nhất vẫn là những câu chuyện đầy tính nhân văn về những con người tôi đã gặp. Như chuyện về tình mẹ con của người mẹ già lặng lẽ nuôi người con đã hơn 60 tuổi bị câm điếc bẩm sinh. Chẳng gì lớn lao bằng sự hy sinh thầm lặng của người mẹ và có lẽ người con câm điếc đó lúc nào cũng khát khao thể hiện sự yêu thương của mình dành cho mẹ qua những biểu cảm. Nhìn họ, tôi thấm câu: Yêu thương không cần nói bằng lời.

Văn hóa bản địa tạo nên sự khác biệt và làm cho người ta hiểu về suy tư của con người vùng đó? Có phải điều này thôi thúc anh vác ba lô và máy ảnh lên đường hơn là cảnh đẹp thiên nhiên đơn thuần?

Động lực lớn nhất để tôi vác ba lô và máy ảnh lên đường là cảm xúc. Tôi thích các câu chuyện nhân văn trong cuộc sống như cách con người ứng xử với con người, với thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử. Các giá trị văn hóa đặc trưng hay thắng cảnh đẹp đơn thuần, nếu là niềm tự hào mang tính đặc thù của một địa phương nào đó thì cũng sẽ thôi thúc tôi sáng tác.

Người ngư dân làm nghề rớ chồ ở Quảng Nam phải thức giấc vài lần mỗi đêm để đánh cá. Công việc vất vả nhưng ngày thuận lợi nhất cũng chỉ kiếm được khoảng 200.000 đồng.

Tuy vậy, văn hóa là điều khó nắm bắt để truyền tải. Anh truyền tải điều đó đến công chúng như thế nào?

Sẽ có yếu tố chính - phụ trong đó và tôi ghi lại những cái chính nhất. Điều quan trọng nhất ở kể chuyện bằng ảnh là phải thực sự ấn tượng về yếu tố thị giác. Người ta sẽ không nghe những câu chuyện bạn kể nếu hình ảnh ấy không gây ấn tượng với họ.

Trong những câu chuyện văn hóa anh đã gặp và tìm hiểu, bên cạnh niềm vui chắc cũng có cả những câu chuyện buồn?

Nỗi buồn từ lúc tôi mới cầm máy ảnh đến nay vẫn mãi là câu chuyện về bảo tồn những giá trị tốt đẹp, chẳng hạn như di sản, văn hóa hay thiên nhiên. Có nhiều thứ tốt đẹp tôi mới chụp gần đây thôi nhưng bây giờ đã không còn tồn tại nữa. Điều đó thật đáng tiếc.

Tác phẩm Đan lưới của anh có mặt trong một cuộc thi ảnh về môi trường của CIWEM được chọn vào danh sách những bức ảnh ấn tượng. Ngay khi chụp ảnh này anh có nghĩ đến những thông điệp như người ta nói đến hay tình cờ nó phù hợp với tiêu chí cuộc thi?

Đan lưới là đề tài rất nhiều người đã chụp nhưng đa số họ đều không truyền tải câu chuyện đan lưới mắt nhỏ gây ảnh hưởng đến môi trường. Tôi suy nghĩ về điều đó từ khi chưa chụp và mong muốn góp tiếng nói về vấn đề này, dù đó là một nghề truyền thống có từ lâu đời.

Khách du lịch trong trang phục áo dài truyền thống đứng trên bè giữa hồ phủ đầy tảo hồng. Loại tảo hiếm này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn vào mùa đông ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Nhìn những bức ảnh thắng giải trong cuộc thi đó, như bức Triều cường vào nhà hay bức Khan hiếm nước, anh có thừa nhận rằng thông điệp của họ quá mạnh không? Có vẻ ảnh của anh vẫn thiên về cảm xúc đẹp hơn là sức mạnh của thông điệp?

Ở những bức ảnh đoạt giải đó, yếu tố thị giác là thứ đầu tiên gây cảm xúc cho người xem, từ đó toát lên thông điệp mạnh mẽ đằng sau bức ảnh. Cá nhân tôi ít khi chụp ảnh mang nặng tính phê phán nặng nề hay gây cảm giác tiêu cực cho người xem. Tôi thích chụp những thứ nhẹ nhàng, duy mỹ, lãng mạn, nên dù là bức ảnh truyền tải thông điệp về môi trường, bức Đan lưới của tôi không khai thác góc nhìn mang tính cảm xúc mạnh.

Dùng chính đam mê để nuôi đam mê

Anh đã được giới nhiếp ảnh trong và ngoài nước ghi nhận bằng những lời khen tặng, giải thưởng và lời mời cộng tác. Yếu tố tiên quyết cho sự thành công của anh là gì?

Sự may mắn, đó là điều đầu tiên tôi nghĩ đến mỗi khi được tôn vinh. Tôi nhận được nhiều giải thưởng và lời mời cộng tác phần lớn bằng sự nỗ lực của bản thân và kiên trì theo con đường mình chọn nhưng trong đó luôn có sự may mắn đồng hành suốt gần mười lăm năm đến với nhiếp ảnh. Tôi tâm đắc với câu: “Đường dài mới biết ngựa hay” và luôn cố gắng để chạy bền bỉ với đam mê vì mong ước được cống hiến cả chặng đường còn lại của cuộc đời mình cho nhiếp ảnh.

Anh học được gì khi làm việc với Google Arts & Culture, National Geographic?

Được làm việc với các đối tác lớn trên thế giới là vinh dự và tự hào của cá nhân tôi, dù thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, tôi chỉ lựa chọn hợp tác với thương hiệu mình yêu thích, để từ đó làm hết mình với các dự án cùng họ.

Làm việc với họ, tôi nhận ra nhiều thiếu sót của bản thân mình. Khi đó, tôi điều chỉnh để phù hợp với từng dự án và rút ra được nhiều kinh nghiệm thực sự quý giá. Làm việc với các đối tác lớn đòi hỏi mọi thứ phải kỹ càng. Ví dụ, với một hình ảnh đăng tải lên cộng đồng nhiếp ảnh của National Geographic, ngoài yếu tố bắt buộc tuân thủ quy định về hình ảnh thì mỗi chú thích đều phải súc tích và đầy đủ thông tin. Mỗi câu trong chú thích bắt buộc không trùng lặp khi kiểm tra trên internet. Thực tế, có những bức ảnh tôi phải hiệu chỉnh chú thích tới 6 lần. Ngoài ra, các đơn vị phổ biến đều phải quy đổi làm sao cho độc giả toàn cầu có thể hiểu được (ví dụ: °C - °F, meters và feet...).

Ảnh chụp buổi biểu diễn thả đăng ở Huế, với tone màu xanh và "khoảnh khắc tĩnh lặng hoàn hảo".

Tham gia vào gameshow và các cuộc thi có làm mất đi sự tĩnh lặng cần thiết trong con người nhiếp ảnh của anh không?

Ban đầu đến với nhiếp ảnh, tôi thử chụp hết các thể loại nhiếp ảnh để lựa chọn con đường đi của mình. Tôi luôn muốn trải nghiệm nhiều thứ để biết mình phù hợp với điều gì nhất, tham gia các gameshow cũng vậy. Thú thực, tôi không nghĩ mình phù hợp với ngành giải trí. Sau những lần tham gia gameshow, tôi hiểu hơn về bản thân và nhanh chóng trở lại sự tĩnh lặng vốn có của một Trần Tuấn Việt nhiếp ảnh gia.

Tôi hạn chế tham gia các cuộc thi, chỉ lựa chọn một vài cuộc thi phù hợp và trong các hoàn cảnh phù hợp. Từ đầu 2020, tôi đã tâm niệm chỉ thi ảnh để làm các công việc xã hội, ví dụ tìm kiếm giải thưởng để làm thiện nguyện. Điều đó giúp tôi thấy các bức ảnh mình chụp có ý nghĩa hơn với cá nhân tôi và với xã hội.

Cuối cùng chúng ta cũng phải nói đến yếu tố làm ta kém bay bổng là tiền. Tiền từ các giải thưởng và gương mặt đại diện cho cái nhãn hàng có vẻ đủ để anh đi cùng đam mê của mình nhỉ?

Từ 2015, khi tôi lo được mọi nhu cầu cơ bản cuộc sống như nhà cửa, xe cộ, con cái… thì tôi dùng chính đam mê để nuôi đam mê của mình. Tôi chỉ dùng tiền giải thưởng để làm từ thiện. Còn thu nhập từ các dự án, từ các hợp tác với nhãn hàng, từ bán ảnh... đã đủ để mình chú tâm vào chuyên môn nhiếp ảnh.

Những người công nhân treo mình bắt đèn LED ngoài một tòa nhà cao tầng ở Hà Nội là Ảnh của ngày (Photo of the Day) ngày 6.1.2019 tại National Geographic.

COVID-19 có làm xáo trộn mọi kế hoạch của anh trong năm 2020 và thời gian sắp tới không? Dự định tiếp theo của anh là gì?

Có một vài kế hoạch bị thay đổi. Ví dụ kế hoạch lớn nhất năm 2020 của tôi là làm triển lãm cá nhân đầu tiên, dự kiến là vào tháng 9.2020 đã bị dời sang đầu năm 2021. Triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi có tên My Vietnam(Việt Nam của tôi) gồm các bức ảnh tâm đắc nhất tôi đã chụp nhiều năm qua dọc đất nước mình. Tôi muốn chụp ảnh Việt Nam mang ra thế giới nên tổ chức triển lãm ở nước ngoài. Triển lãm sẽ diễn ra trong khuôn khổ Đại hội Nhiếp ảnh quốc tế Xposure ở U.A.E từ ngày 10.2 đến 13.2.2021.

Đại hội này là nơi quy tụ rất nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới, triển lãm cũng sẽ đón nhận người xem từ khắp năm châu. Nếu không có gì thay đổi vì COVID-19, năm nay tôi sẽ đón giao thừa với triển lãm cá nhân của mình ở đó, vì rơi vào dịp Tết Nguyên đán. Vì tình hình COVID-19, tôi đang hồi hộp vì chưa biết triển lãm của mình có được diễn ra không. Tôi sợ không có chuyến bay từ U.A.E trở về Việt Nam, trong khi sự kiện này không thể dời thêm một lần nữa, tôi sẽ rất tiếc nếu bỏ lỡ dịp  này. Hiện tại, 1.600 bức ảnh của tôi cho triển lãm đã được in xong.

Sewing Net - Đan lưới" ghi lại hình ảnh nhóm công nhân nữ may những mảnh nhỏ thành một tấm lưới lớn màu xanh tại một xưởng may ở tỉnh Bạc Liêu, miền Nam Việt Nam.

Tôi không rõ vì sao mình là cái tên được chọn đến Xposure. Có lẽ họ chọn theo khu vực và Đông Nam Á và có theo dõi ảnh của tôi trên National Geographic?! Đây quả là một cơ hội tốt cho tôi. Họ tài trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở, đưa đi chụp ảnh, bán giúp ảnh trong triển lãm và còn tặng một khoản tiền mặt khi tôi trở về.  Nhiếp ảnh Việt Nam vẫn còn đi sau thế giới khá xa nên tôi vui vì mình được sánh vai cùng 60 nhiếp ảnh gia trên thế giới đã được mời đến đại hội này.

Cảm ơn anh vì đã chia sẻ! Chúc triển lãm của anh sẽ được diễn ra và thành công tốt đẹp!

Nguồn dẫn: Lâm Hạnh thực hiện/ Người Đô Thị

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Link bài gốc: https://nguoidothi.net.vn/nhiep-anh-gia-tran-tuan-viet-cam-xuc-la-dong-luc-lon-nhat-de-toi-vac-may-anh-len-duong-27314.html