Lê Văn Anh Tài dùng drone thu lại cảnh đất nước từ trên cao thành những bức hình đẹp.

Lê Văn Anh Tài, sinh năm 1997, gốc Quảng Nam, bắt đầu hành trình chụp cảnh đẹp Việt Nam cách đây hơn 1 năm. Đến nay, chàng trai làm truyền thông đã đặt chân đến khoảng 30 tỉnh thành. Bộ ảnh Tài chụp Việt Nam từ trên cao đăng tải trên các trang cộng đồng "xê dịch", nhận được sự quan tâm lớn từ người yêu du lịch. Thay vì bó buộc theo tỉ lệ ngang, dọc cổ điển, Anh Tài chọn tỉ lệ 4:5 để tạo dấu ấn cho những bức hình của mình.

Xóm Cồn, Quảng Ngãi, hiện lên thật tươi sáng với hình ảnh cồn đất giữa sông. Theo Anh Tài, những bức ảnh của anh đa số đều chụp vội do tranh thủ lúc đang đi làm. Tất cả đều không được chuẩn bị trước nên phần hậu kỳ rất quan trọng. Trung bình, anh mất khoảng 10-30 phút để hậu kỳ một bức ảnh.

Bức ảnh chụp cầu Trường Tiền, Huế đặc biệt thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. "Xé ngang bầu trời", "Như cầu trời", "Giống vệt trắng trên trời khi máy bay ngang qua"... là những bình luận mà Anh Tài nhận được từ cộng đồng. Chàng trai chia sẻ, bức hình là một may mắn quá lớn đối với anh. Trong lúc đi tác nghiệp, bay drone ngang qua cầu thì thấy bóng của hàng cây phủ xuống hồ, Anh Tài quyết định bay lên độ cao gần 300 m và bắt gặp cảnh tượng này.
Chợ cá Nhân Trạch, Quảng Bình buổi sáng sớm được nhuộm vàng trong ánh bình minh. Ngư dân chạy ra thuyền thúng, thu những mẻ cá được đánh bắt từ tối hôm trước đưa vào bờ.
Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh, Huế nhìn từ trên cao thấy rõ lớp rêu dày dưới đáy đầm Quảng Lợi. Anh Tài chia sẻ, khi quan sát quang cảnh này từ góc nhìn của một con chim, anh thấy giống một bức tranh sơn dầu.
Khoảnh khắc con tàu đang đi từ sông ra biển, ở giữa 2 dòng nước được chàng nhiếp ảnh trẻ "bắt" được. Cửa biển Cổ Lũy, Quảng Ngãi là nơi sông giao với biển nên ngay tại chính vị trí này có hai màu nước tách biệt.
Vĩnh Linh, Quảng Trị phủ xanh bởi màu lúa với các thửa ruộng vuông vắn, trông như một mê cung huyền ảo. Theo Anh Tài, mọi người đã quen với những hình ảnh từ góc nhìn truyền thống. Với góc nhìn của một con chim từ những bức ảnh chụp bằng flycam, chàng trai quan sát mọi thứ một cách mới mẻ hơn, từ đó hình thành sở thích chụp ảnh từ trên cao.
Hòn Bàng, Phú Quốc nhìn từ trên cao thấy rõ địa chất độc đáo. Tài chia sẻ, tấm hình của anh là một trong bức ảnh đầu tiên chụp bằng flycam tại hòn đảo này.
Lăng Khải Định, Huế trang nghiêm, huyền bí trong lớp sương mù. Địa điểm này gắn liền với kỷ niệm khó quên của Anh Tài khi bị rơi drone, mắc vào ngọn cây cao tầm 4m. Lúc đó, một người dân địa phương và người lái taxi đi ngang qua thấy Tài loay hoay nên đã giúp anh lấy lại drone. Người lái taxi còn dùng vai để làm điểm tựa giúp chàng trai trẻ leo lên ngọn cây. May mắn, đồ nghề của Tài chỉ bị trầy nhẹ và không có hư hại gì nghiêm trọng.
Một góc của vịnh Hạ Long, Quảng Ninh được chàng trai trẻ hóm hỉnh ví như "đùi gà" khi nhìn từ trên cao.

Ngoài những bức ảnh chụp từ trên cao, Anh Tài cũng chụp những bức ảnh bằng máy ảnh thông thường, song căn những góc độc đáo, mới lạ.

Tài chia sẻ, đến hiện tại, nhờ những bức ảnh chia sẻ trên mạng xã hội nên có nhiều người biết đến anh hơn. Anh có thêm nhiều người bạn mới, gồm cả những người nước ngoài. Đối với anh, điều đó tuy nhỏ bé nhưng anh tự hào vì đã giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Nguồn dẫn: Trung Nghĩa/ VnEpress.net
Ảnh: anhtai.bber/Instagram

Link bài gốc: https://vnexpress.net/nhiep-anh-tre-thu-viet-nam-vao-goc-nhin-cua-chim-4305853.html