Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, đây đã trở thành ngày tết của trẻ em (Tết thiếu nhi), còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng.

Ngày xưa, Tết Trung thu với lớp trẻ bọn tôi, thời mà người ta gọi là 7x, 8x thật đẹp và ý nghĩa. Những đêm trước hội trăng rằm, bọn trẻ con trong xóm tôi chỉ ao ước có được cái lồng đèn ông sao thôi là mãn nguyện lắm rồi.

Nhưng nhà đứa nào cũng nghèo, ba má làm gì có tiền mua nổi những món đồ chơi như thế. Bởi vậy, chúng tôi đứa nào cũng phải giỏi và khéo léo từ thuở nhỏ. Những món đồ chơi tự chế và cả chiếc đèn ông sao nhiều màu sắc được dán lại từ những tờ giấy vụn kiếm được trong nhà ra đời. Không cần bánh trung thu hai trứng, nhân thập cẩm hay bánh dẻo sắc màu hấp dẫn. Chỉ cần xin mẹ được 500 đồng mua vài cái đèn cầy là lễ hội trăng rằm cũng rộn ràng từ đầu thôn đến cuối thôn.

Ngày ấy, dù thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn được ra đường, được cùng bạn bè rước đèn ông sao, cùng nhau hát hò và chơi những trò chơi dân gian giữa sân trường...

Năm nay, vì dịch bệnh covid đang hoành hành nên đường sá vắng vẻ, hàng quán đóng cửa, vắng bóng cả những chiếc đèn ông sao đủ màu với nhiều kiểu dáng hấp dẫn và cả những loại bánh kẹo đặc trưng của lễ hội trăng rằm. Nên các em phải đón một mùa trung thu ở trong nhà cùng với gia đình mình.

Đây sẽ là một mùa trung thu đáng nhớ, không đèn, không bánh, không bạn bè. Nhưng bù lại, đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta có thể sống chậm hơn, có thời gian chăm chút cho sức khỏe của bản thân, thời gian thấu hiểu và chăm lo nhiều hơn cho người thân yêu của mình.

 

@haionthego

Ảnh: Tài Đặng