Từ thành phố Sóc Trăng đi hơn 60 km bằng đường bộ dọc theo tuyến Quốc lộ  1A, đến thị trấn Phú Lộc, sau đó rẽ vào tỉnh lộ 42 đi chừng 24 km nữa là tới thị xã Ngã Năm. Nơi tiếp giáp giữa 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Du ngoạn cùng phiên chợ nổi

Thường ngày tôi “đẩy” một giấc cho tới 6 - 7 giờ sáng. Hôm nay, tôi ngủ nhờ nhà thằng bạn, phải tranh thủ lắm tôi mới không bỏ lỡ phiên chợ đầy thú vị này. Ngồi tán gẫu tại một quán cafe cập bên dòng sông 5 ngã, tôi quay sang nhìn đồng hồ đã 4 giờ sáng và hình như phiên chợ nổi nơi đây đã bắt đầu cùng với những lời mời mộc của bạn hàng tứ phương.

Sở dĩ gọi là chợ nổi, bởi vì các hoạt động trao đổi buôn bán hàng hóa, sinh hoạt đều diễn ra ở một nơi khá đặc biệt đó là ngay trên sông. Ghe lớn, ghe nhỏ, xuồng năm lá, xuồng ba lá,…Ghe đi bổ hàng thì đổ về các kênh rạch nhỏ, còn ghe lớn thì đậu đâu đó để chờ dỡ đủ hàng, để đi tiếp về các chợ xa.

Làm quen bắt chuyện với một người dân địa phương đang uống cafe trong quán, tôi biết thêm về dòng sông 5 ngã này. Đó là con sông rẽ sang 5 hướng đi: Ngã Năm – Long Mỹ (Hậu Giang), Ngã Năm - Vĩnh Quới (Sóc Trăng), Ngã Năm - Phụng Hiệp (Hậu Giang), Ngã Năm - Phước Long (Bạc Liêu), Ngã Năm - Phú Lộc (Sóc Trăng).

Thương dân chợ nổi Ngã Năm thường ví chuyện làm ăn của mình là “bán gì cũng bán - mua gì cũng mua”. Mùa nước lũ đầu mùa, miệt trên thiếu rau xanh, bầu bí,…dân ghe đổ xuống Ngã Năm bổ hàng về bán. Còn mùa chôm chôm, măng cụt, mận, nhãn.… thì từ miệt vườn đổ về Ngã Năm. Dù là thương lái hay khách hàng thì đi một chuyến phải cho đáng, nên phải lựa ghe cỡ  nào đi sao cho có lời,  cho xứng đáng một chuyến đường xa.

Các loại cây, trái, rau, củ, quả ở đây rất đa dạng và phong phú cả về số lượng và chất lượng. Từ trái cây như dưa hấu, mít, xoài, dứa thơm rồi đến các thứ rau củ như khoai lang, khoai tây, bắp cải,…đều khẩm hàng trên những chiếc ghe, xuồng hay chiếc vỏ lãi mà không cần phải trả giá đồng nào vì hàng ở đây đã “rẻ mạc” rồi.

Thưởng thức đặc sản trên sông

Đã 5 giờ, trời đã ửng sáng các hoạt động trên chợ nổi bắt đầu đông vui và nhộn nhịp hơn với những lời mời gọi của những bạn ghe. Thú vị hơn nữa là có những hàng quán di động trên sông: quán cháo, bún nước lèo, hủ tiếu, chè, nước giải khát, cà phê,….. sẽ phục vụ nhu cầu đầy đủ cho khách.

Thích quá!

Không biết phải làm sao để có được cảm giác bồng bềnh trên sông, tôi quơ tay ngoắt cô bán bún nước lèo mượn cớ ăn bún thôi để được ngồi ké trên chiếc xuồng ba lá theo cô du hí khắp chợ luôn. Nhưng không ngờ thưởng thức tô bún nước lèo ngon tuyệt cú mèo. Nước lèo ở đây được nấu từ mắm cá sặc của xứ Ngã Năm này kết hợp với nước dừa tươi, củ ngải bún và sả nguyên cọng đập dập. Khi bạn thưởng thức sẽ có được hương thơm và vị mắm mặn nhẹ ở đầu lưỡi mà người ở quê thường gọi là “măn mẳn”.

Đối với người dân thị xã Ngã Năm, đi chợ nổi mỗi ngày như là một thói quen. Có nhiều người vượt cả đoạn đường dài bằng xuồng, ghe tới chợ, chỉ để ăn một tô cháo cá, một tô bún nước lèo hay mua kí gạo lẻ, mớ rau xanh. Mặc dù đã có đường, có cầu tới chợ nhưng bà con vẫn thích bơi xuồng để ngao du sông nước và thăm hỏi, giao lưu cùng thương lái. Tình người chợ nổi được thể hiện trong mỗi cử chỉ, lời nói mộc mạc, thân thiện, cười nói vô tư…Những hình ảnh này tạo nên nét đẹp chợ nổi Ngã Năm, nhiều người đi xa là nhớ.

 

“Cây bẹo” gieo nhớ gieo thương

Muốn ngắn thì ngắn, muốn dài thì dài. Tùy theo ghe lớn hay ghe nhỏ, xuồng năm lá hay ba lá mà “cây bẹo” ngắn hay dài khác nhau. “Cây bẹo” thường được làm từ loại tre tầm vông già, uốn thẳng, gốc vạt nhọn cho dễ cắm và kìm ghe khi đậu, ngọn thì đục lỗ có thể xiên dây qua để treo hàng hóa cần bán. Bạn hàng chèo một vòng chợ, mắt liếc ngang, liếc dọc tìm nơi mua thứ mình cần. Người tiêu dùng đứng trên bờ cũng quan sát “cây bẹo” để phát hiện mặt hàng cần mua.

Khi hỏi về “cây bẹo”, một lão thương vùng sông nước cho tôi biết: “Không biết “cây bẹo” xuất hiện từ lúc nào, nhưng khi vào chợ nổi thì “cây bẹo” là điểm ngắm đầu tiên của bạn hàng”. Tức là muốn bán gì thì treo nấy đó các bạn! Nhưng tôi vẫn băn khoăn một điều: “Nếu như hàng muốn bán là con ba khía, mắm hay những trái cây to như mít, bí rợ thì sao?”.

Ông lão cười to: “Không nhất thiết phải treo mẫu hàng mà mình muốn bán. Không ai treo ba khía hay con mắm lên “cây bẹo” bao giờ, vì nhỏ quá khó nhìn thấy từ xa. Hoặc loại trái to như mít, dừa, bí rợ, không treo được thì để trước mũi hoặc chất đầy trên mui ghe”. Đã bao thế hệ tiếp nối nhau, hình như chưa có hình thức nào thay thế được “cây bẹo” trong việc quảng cáo ở chợ nổi như thế này.

Bài: MINH TUỆ

Ảnh: HOÀN HẢO