Không phải chỉ đến khi xuất hiện trong những thước phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì Phú Yên mới nổi tiếng. Trước đó, nhắc đến mảnh đất này, người ta sẽ hình dung ngay đến những cái tên như ghềnh Đá Đĩa, Hòn Yến, bãi Xép, cầu gỗ Ông Cọp... Và dù là trong phim hay ngoài đời thật, Phú Yên vẫn là một cái tên hấp dẫn với hội ưa khám phá, mê du lịch.

Mùa xuân sắp đến rồi, nếu vừa muốn hít thở gió biển, vừa muốn lên núi, vượt thác, lang thang dọc những con đường đầy cây cỏ xanh ngắt... thì nhất định, Phú Yên là nơi sẽ khiến bạn không phải thất vọng đâu.

Bãi san hô tuyệt đẹp trên biển Phú Yên vào mùa nước cạn.

Với mong muốn được giới thiệu thêm nhiều cảnh đẹp của Phú Yên cho tất cả mọi người, nhiếp ảnh Nguyễn Phước Hoài đã cho ra đời nhiều bộ ảnh hài hòa thơ mộng về Phú Yên. Bộ ảnh đã thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng trong thời gian qua.

Nghề nuôi tôm hùm trên biển Phú Yên.

BIỂN XANH - CÁT TRẮNG - NẮNG VÀNG

Đến với Phú Yên là đến với những trải nghiệm khám phá các danh thắng hoang sơ, kỳ vỹ như Bãi Bàng, cầu gỗ Ông Cọp, ghềnh Đá Đĩa, đảo Điệp Sơn, vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan, mũi Đại Lãnh, bãi Xép…Tưởng chừng như những “bình cũ” đó sẽ không thể nào có bức ảnh mới lạ, thế nhưng với tình yêu quê hương đất nước và cả niềm đam mê với nghề nhiếp ảnh mà Nguyễn Phước Hoài đã cho đọc giả được nếm “rượu mới” có trải nghiệm độc đáo hơn nhiều.

Ghềnh Đá Đĩa

Có lẽ, một trong những hình ảnh đại diện mà nhiều người nhớ nhất về Phú Yên chính là những vùng biển xanh ngắt, những bãi đá, gành (ghềnh) đá với hình thù lạ mắt. Thiên nhiên ưu ái cho nơi này những cảnh đẹp phong phú mà không phải ở đâu cũng có được. Thế nên một số người còn nói rằng Phú Yên có những cảnh đẹp “độc quyền”. 

Bãi Bàng

Bức ảnh nên thơ ngọt ngào.
Mùa rong trên bãi bàng Phú Yên đẹp tựa tiên cảnh.

 Đầm Ô Loan

Hoàng hôn ở đầm Ô Loan.

 Cầu gỗ Ông Cọp

Cầu gỗ dài nhất Việt Nam
Cầu gỗ Ông Cọp về đêm

Hòn Yến

Danh thắng quốc gia Hòn Yến
Mùa cá cơm ở Hòn Yến
Lồng nuôi tôm hùm
Bình minh rực rỡ ở Hòn Yến
Làng chài ở Hòn Yến

Biển Phú Yên

Một màu xanh mát đặc trưng của xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh.

Góc nhìn này bạn có nhận ra Phú Yên hay nhầm tưởng một vùng du lịch nước ngoài nào đó..
Phú Yên không chỉ có biển xanh cát trắng mà còn có vùng quê mang nét đặc trưng.
Vùng biển xanh ngắt với những ngọn hải đăng cao vút.
Gành đèn Phú Yên

GHÉ THĂM LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Nghề dệt chiếu cói ở Phú Tân

Nghề dệt chiếu cói ở Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An có lịch sử hàng trăm năm với 249 hộ gia đình tương đương 600 lao động sản xuất. Sử dụng nguồn cói trồng từ cánh đồng 25ha ở địa phương, các sản phẩm chiếu dệt được bán phục vụ đời sống nhân dân địa phương và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Tổng thu nhập bình quân hằng năm của làng nghề dệt chiếu là khoảng 5,3 tỉ đồng.

Cói được thu hoạch đem về phơi khô rồi nhuộm màu sau đó phơi lần nữa. Tiếp theo là công đoạn dệt chiếu với thủ công do 2 người dệt 1 tấm, khoảng 30 phút là xong 1 cái. Ngày nay nhiều gia đình trong làng nghề dệt chiếu Phú Tân đã mua các máy dệt chiếu hiện đại, tăng năng suất chiếu dệt ra, giảm sức người vất vả, tăng thu nhập kinh tế gia đình. Làng nghề Phú Tân là một trong những làng nghề truyền thống tiêu biểu ở Phú Yên thu hút nhiều khách tham quan, trải nghiệm.

Cảnh phơi cói đẹp như một bức tranh dưới góc máy tài ba của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Hoài.

Nghề hầm muối Tuyết Diêm

Cùng đi qua tháng năm thịnh suy của mảnh đất này, nghề muối Tuyết Diêm cũng nếm trải nhiều nhọc nhằn cay đắng. Hình thành từ những năm 1870, muối Tuyết Diêm hay còn gọi là muối Cù Mông đã nức tiếng xa gần. Muối ở đây mịn trắng sau khi hầm, có vị mặn đậm đà nhưng không chát.

Tên gọi Tuyết Diêm có nghĩa là muối trắng như tuyết, cũng bao hàm ý nghĩa chất lượng nổi bật của muối sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ở những vùng quê khác cứ nghĩ hạt muối được lấy từ ruộng lên là sản phẩm cuối cùng của hạt muối, nhưng với người dân thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu thì những hạt muối trắng từ ruộng chưa phải là sản phẩm cuối cùng.

Nghề thúng chai Phú Mỹ

Phú Yên sở hữu hơn 189 Km đường bờ biển, biển gắn liền với hoạt động mưu sinh của hầu hết bà con nhân dân. Trong đó nghề sản xuất phương tiện đi biển như làm thúng chai được cả làng Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An gìn giữ và phát triển từ bao đời nay. Sản phẩm thúng chai làng Phú Mỹ có đường kính từ 2 – 2,5 m, được làm tinh xảo và chắc chắn, đảm bảo an toàn cho những chuyến đi trên biển.

Làng nghề thúng chai Phú Mỹ có 40 hộ đan thúng với hơn 120 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5 – 4, 5 triệu đồng/tháng. Để có 1 chiếc thuyền thúng chai phải trải qua nhiều công đoạn sản xuất và có nhiều người phụ trách mảng khác nhau như: thợ vót nan, thợ lận, thợ nức vành, thợ trét dầu, thợ gia công phân bò... Những chiếc thúng chai Phú Mỹ không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của ngư dân trong nước mà đã xuất khẩu ra nước ngoài hàng trăm chiếc mỗi năm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho làng nghề. Đến với làng Phú Mỹ du khách sẽ được theo dõi quá trình làm ra 1 chiếc thúng chai hoàn hảo, được nghe thuyết minh chính xác về các công động sản xuất, cũng như lợi ích của chiếc thúng chai đối với cuộc sống bao đời nay.

Để thuận tiện cho việc di chuyển, bạn có thể ghé thăm các địa danh theo các cung đường. Ở mỗi cung đường dưới đây là các địa danh nằm gần nhau, thuận đường nên sẽ tiết kiệm thời gian cũng như công sức di chuyển.

- Cung đường Hòn Yến - Gành Đá Đĩa - Gành Đèn - Nhà thờ Mằng Lăng - Cầu gỗ Ông Cọp.

- Cung đường Hải đăng Mũi Điện - Bãi Môn - Chùa Thanh Lương - Bãi Xép.

- Cung đường Thác Vực Hòm - Tháp Nhạn - Núi Chóp Chài.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Hoài hiện đang sinh sống và làm việc tại một ngân hàng ở Quy Nhơn (Bình Định)

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Phước Hoài