Hàng năm, cứ đến tháng 4 là tháng sinh nhật của Trần Việt Dương, anh lại tổ chức những đợt đi khám phá leo núi cùng những người bạn, không đơn thuần là một chuyến đi, anh còn kết hợp tổ chức thu gom rác thải nhựa, bọc nilon của một số người thiếu ý thức để lại khi đi du lịch, đi dã ngoại cuối tuần.

Phượt thủ Trần Việt Dương làm việc có ý nghĩa cho cộng đồng.

Hoạt động vì môi trường kết hợp cắm trại về với thiên nhiên nên được sự ủng hộ từ cộng đồng, nhất là các bạn sinh viên, học sinh và những anh chị đam mê du lịch khám phá, phượt…

Nhóm bạn của Việt Dương tích cực nhặt rác thải nhựa.

Thường thì nhóm của Việt Dương dọn ở núi Chứa Chan (thuộc huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), đây là một ngọn núi có độ cao hơn 800m so với mực nước biển và được nhiều người lựa chọn làm điểm đến cắm trại mỗi cuối tuần. Dọc đường lên núi và xuống có khá nhiều rác của một số người để lại, nhiều bãi rác được hình thành qua nhiều lần nên để tránh ảnh hưởng đến thiên nhiên, cũng như truyền đi một thông điệp tích cực nên nhóm bạn này đã tổ chức đến dọn.

Chở thùng rác sau xe để tuyên truyền không xả rác.

Ngoài ra thì trong tháng 4 vừa qua, Dương và một số người bạn cũng thực hiện dọn rác ở Vĩnh Hy (Ninh Thuận), hồ Trị An (Đồng Nai).

Rác thải nhựa mà du khách để lại sau những cuộc vui.

Việt Dương chia sẻ: “Mình không sợ cực, hay rác bẩn hôi mà sợ điều mình làm không đánh động được cộng đồng. Để thực hiện việc lụm rác trên núi Chứa Chan đòi hỏi phải có sức bền khỏe và tinh thần là quan trọng nhất. Leo núi không thôi đã cực, giờ còn phải mang những bao rác xuống núi còn cực hơn nữa. Rồi nhiều hôm mưa gió, đường đi trơn trượt cũng khiến cho việc di chuyển rác xuống núi trở nên nguy hiểm”.

Mệt mỏi nhưng miệng vẫn tươi cười.
Mỗi người một tay, cùng nhau góp sức bảo vệ môi trường.

Sau những chuyến đi ý nghĩa như thế này, Việt Dương có những người bạn mới, giao lưu với các bạn có chung sở thích khám phá và yêu môi trường, học hỏi thêm nhiều điều bổ ích. “Nhiều khi nhóm đi như vậy còn có các cô chú tạo điều kiện, hỗ trợ về vật chất như nước uống, đồ ăn tiếp thêm sức mạnh cho nhóm. Nhóm cũng rất cám ơn sự ủng hộ của nhà chị Yến (chuyên hỗ trợ các nhóm leo núi), đóng góp không nhỏ cho hoạt động hàng năm” – Trần Việt Dương tâm sự.

Ý tưởng của Việt Dương đã được lan tỏa với nhiều người.
Rất nhiều bạn trẻ ủng hộ cho việc làm của Việt Dương.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường thì mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 0,28 triệu – 0,73 triệu tấn thải ra biển (tức là chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới).

Đơn cử như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Trong đó, cứ 4.000 – 5.000 tấn rác thải mỗi ngày thì đã có 7% – 8% là rác thải nhựa, nilon. Với thực trạng xả rác thải nhựa như vậy, chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ chìm trong biển rác nhựa và phải đối mặt với nguy cơ “ô nhiễm trắng” trầm trọng.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức kêu gọi và hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa bằng rất nhiều cách như:

- Đẩy mạnh khâu tuyên truyền và thuyết phục người dân hạn chế dùng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa một lần.

- Khuyến khích sử dụng đồ dùng nhiều lần, đồ có nguồn gốc thiên nhiên như tre, sậy, lá chuối thay thế cho đồ nhựa.

- Kêu gọi người dân vất rác đúng nơi quy định, chủ động phân loại rác ngay từ nguồn.

- Phát động phong trào kêu gọi người dân chung tay dọn rác.

- Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho nhựa.

Slogan gây ấn tượng mạnh mẽ.

Qua hoạt động này, Việt Dương và nhóm bạn đồng hành muốn tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cũng như cho cộng đồng có cái nhìn thiện cảm hơn về những người bạn thích "xê dịch".

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Trần Việt Dương