Lễ hội Tràng An là chuỗi các hoạt động văn hóa kết hợp với du lịch diễn ra vào những ngày giữa tháng 3 (âm lịch) tại quần thể di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình. Chính hội là ngày 18/3 (âm lịch) gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng, sùng bái thiên nhiên, và tôn vinh các vị thần 4 phương (Đông-Tây-Nam-Bắc): thần Thiên Tôn, thần Quý Minh, thần Cao Sơn, thần Khổng Lồ trấn trạch Hoa Lư tứ trấn.

Bên cạnh đó, đây cũng là dịp người dân tỏ lòng biết ơn với tướng lĩnh của vương triều Đinh đóng quân ở Tràng An và các vị vua đầu nhà Trần đã lập ra Hành cung Vũ Lâm nơi đây. Điểm độc đáo của Lễ hội Tràng An là các nghi lễ rước rồng, rước nước được diễn ra trên sông, đi qua các di tích, hang động xuyên thủy, cảnh đẹp,… của rừng núi, sông nước khu du lịch sinh thái Tràng An Ninh Bình.

Sau hồi trống khai hội trên bờ và màn đánh trống trên đò vang lên rục giã, đoàn rước với hơn 100 người khiêng kiệu và rước bài vị tế Đức thánh Quý Minh Đại Vương cùng hàng nghìn du khách trên khoảng 1.000 chiếc đò bắt đầu vào cuộc rước tạo nên một không khí lễ hội vừa trang nghiêm, vừa không kém phần sôi động. Xuất phát từ bến thuyền Tam Quan, đoàn rước vượt qua 5km đường thủy, xuyên qua các hang động trên dòng sông Ngô Đồng. Sau chừng hơn một tiếng diễu hành trên mặt nước, đoàn rước đến đền Nội Lâm để cử hành các nghi thức tế lễ. Các hoạt động phần lễ được thực hiện mang nhiều yếu tố tâm linh và linh thiêng, đáp ứng nhu cầu của con người luôn hướng và tìm về nguồn cội, thể hiện rõ những ước muốn của con người thông qua các nghi lễ với đất trời, tổ tiên, với các thánh, thần để cầu mong một cuộc sống bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Trong tiếng trống dồn vang khai hội, tiếng chiêng dập dìu mênh mang một vùng sông nước, Lễ hội của vùng đất được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn – Tràng An còn tái hiện chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các triều đại Đinh – tiền Lê – Lý và thời đại nhà Trần tại kinh đô đá Hoa Lư.

Trong suốt hành trình rước kiệu tiến về đền Trần để tham dự lễ hội, du khách được thả mình vào không gian thiên nhiên, chiêm ngưỡng cảnh vật của một “vịnh Hạ Long trên cạn” nên thơ, trữ tình với những thung nước trong xanh, những hang động lấp lánh áng nước, ánh nhũ, thư thái ngắm nhìn dòng nước trong xanh ẩn dưới đó là những dải rêu xanh, những thảm thực vật đa màu sắc hòa cùng âm vang của tiếng mái chèo khua nhẹ trên sông. Để rồi qua hàng chục hang động, những thung nước mênh mông xanh biếc, đoàn thuyền dừng lại ở bến đò đền Trần. Lúc này, du khách tiếp tục hành trình bằng hình thức leo núi để đến khu vực đền Trần. Đường núi dốc, hẹp, lại đông người nhưng du khách không hề cảm thấy mỏi mệt bởi ở đây cây cối xanh tươi, không khí mát dịu như tiếp thêm sức lực và sự hào hứng để mỗi người vững tin bước vào nơi thờ tự linh thiêng đã tồn tại hàng nghìn năm lịch sử.

Đền Trần được vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng vào thế kỷ thứ X với mong muốn mượn uy danh của Thánh để trấn trạch theo 4 hướng Đông -Tây - Nam - Bắc. Đây còn là nơi vua Trần Thái Tông sau khi dẹp giặc Mông xâm lược (1258) đã vào đây tu hành. Ngôi đền cũ bằng gỗ do Đinh Tiên Hoàng đế xây dựng đã đổ nát và nhà Trần cho xây dựng lại bằng các cột đá rất nổi tiếng còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay, được nhân dân quen gọi là đền Trần vì được xây dựng lại từ thời nhà Trần. Đền Trần nằm giữa một vùng sơn thủy hữu tình thuộc Khu du lịch sinh thái Tràng An. Tại Đền Trần có 4 cột đá được chạm khắc bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng) hết sức độc đáo, thực sự là những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo do ông cha để lại.

Tham gia Lễ hội Tràng An, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của địa thế Tràng An “núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện”, với sự hấp dẫn ở hệ thống những hang động, những thung nước liên hoàn, tạo thành một vòng tròn khép kín mà còn thấy hào hứng, thú vị bởi đường đi - lối về trong một hành trình tham gia lễ hội không hề lặp lại. Đặc biệt, nhiều hoạt động tại lễ hội như rước kiệu, rước rồng, gõ trống, đánh chiêng, các làn điệu dân ca… được thực hiện tại hàng trăm chiếc thuyền trên dòng sông Ngô Đồng dài gần chục km với hàng nghìn người tham gia, tạo thành nét độc đáo, rất riêng mà không phải nơi nào trên dải đất hình chữ S này có được. Tất cả tạo cho du khách một nét vui tươi, mới mẻ, mê đắm như được lạc vào nơi “bồng lai tiên cảnh”, để trân trọng, tự hào với quá khứ của cha ông và thêm yêu quý, giữ gìn những gì thiên nhiên ban tặng cho con người hôm nay.

Dòng sông Ngô Đồng không chỉ làm du khách mê mải thưởng thức cảnh non nước hữu tình mà còn đắm mình với những làn điệu văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc, đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, như hát then, đàn tính, hát xoan, quan họ, nhã nhạc cung đình, đờn ca tài tử, biểu diễn ca trù, hát chèo, ném còn, chơi đu của đồng bào dân tộc Tày (Hà Giang). Biểu diễn đàn đá, cồng chiêng của các tỉnh Hòa Bình, Bắc Cạn, thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch thập phương tham dự và hội tụ những tinh hoa ở vùng Vạn thế danh Hoa Lư, nghìn năm linh khí biến thành đất thiêng. Hoạt động rước nước diễn ra vào ngày thứ 2 với nghi lễ lấy nước thánh trên sông, rước bằng kiệu băng qua 3 km đường núi đến đền Trần hành lễ.

Bối cảnh của bộ phim Hollywood đình đám đang thu hút hàng triệu người theo dõi “Kong: Skull Island” (Đảo đầu lâu) đã được tái hiện trong Khu Du lịch sinh thái Tràng An. Hàng chục ngôi nhà lá được phục dựng gần giống như trong phim và trong ngày diễn ra lễ hội có hàng trăm người dân được hóa trang thành thổ dân đứng chào đón du khách. Phim trường được phục dựng sẽ phục vụ du khách tham quan miễn phí trong tua du lịch sinh thái Tràng An.

Ý nghĩa lễ hội

Hơn 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử đã được phát hiện ở khu vực Quần thể danh thắng Tràng An đã chứng minh được rằng: Có hoạt động của một nền văn hóa người tiền sử cư trú ở Tràng An liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.

Và ở thế kỷ 10, Tràng An đã được người Việt xây dựng kinh đô Hoa Lư. Lấy thành là núi, đường là sông, cung điện là hang động biến nơi đây thành cái nôi phục hưng văn hóa, làm tiền đề hun đúc nên nền văn minh Đại Việt nở rộ ở Thăng Long - Hà Nội.

Trải qua hàng chục nghìn năm khai thác nguồn thức ăn và sống dựa vào sự che chở của núi rừng, loài người ở Tràng An đã chứng kiến nhiều biến đổi về tự nhiên, những hiện tượng lạ chưa thể giải thích, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sau qua bao thời gian được chắt lọc, thiêng hóa, thánh hóa và được thờ theo tín ngưỡng thờ thần đã xuất hiện  những truyền thuyết về các vị thần núi hóa thân thành những vị tướng giúp dân giữ nước.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Tô Mạnh