Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 7 - 10 âm lịch (nhằm tháng 8 - 11 dương lịch), nước từ thượng nguồn sông Mekong lại đổ về, theo đó những cánh đồng xanh xanh bởi cây và lúa lại mênh mông sóng nước. Mùa nước nổi là thời điểm lý tưởng để người dân và du khách tận hưởng không khí, cảnh vật, sản vật do mẹ thiên nhiên ban tặng.
Những năm qua, cùng với hoạt động du lịch (DL) tâm linh thì du khách còn yêu mến An Giang bởi những điểm đến độc đáo trong mùa nước nổi. Về vùng đất đầu nguồn, mọi người có thể ngắm những đồng nước mênh mang trong buổi hoàng hôn nhạt nắng hay thưởng thức những đặc sản mỗi năm chỉ có một mùa, hoặc trải nghiệm cảm giác mò cua, bắt ốc, tận hưởng hương vị đồng quê qua những củ ấu ngọt bùi.
Nếu đến An Giang thì rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, Tịnh Biên) là địa điểm không thể bỏ qua với du khách, bởi nơi này hiện đang khá “hot” tại miền Tây, nhất là đối với các bạn trẻ. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây cầu tre xuyên rừng dài nhất Việt Nam, hay trải nghiệm đi tắc ráng để ngắm nhìn những hàng tràm rợp bóng cùng các loài chim cò hoang dã. Ngoài cảnh sắc hữu tình, du khách đừng bỏ qua hoạt động ẩm thực tại rừng tràm Trà Sư với lẩu cá linh, cá linh chiên, gà đốt, lẩu mắm đồng, cá lóc nướng trui được gói trong lá sen, chuột quay lu, chuột nướng mật ong bay mùi thơm phức…
Điểm đến hấp dẫn tiếp theo trong mùa nước nổi là búng Bình Thiên (An Phú). Đây là “hồ nước trời” lớn nhất ở miền Tây với cảnh sắc thơ mộng, hữu tình. Theo khảo sát của các ngành chuyên môn, lòng búng Bình Thiên có diện tích mặt nước vào mùa nước cạn khoảng 300ha (vào mùa nước nổi khoảng 900ha), độ sâu trung bình khoảng 4m, đặc biệt không bao giờ cạn nước.
Điểm thú vị ở đây là dòng nước ngầu đỏ phù sa mỗi khi chạm đến miệng búng Bình Thiên sẽ “lột xác” trở nên trong xanh soi bóng mây trời. Tham quan búng Bình Thiên trên thuyền, du khách sẽ được ngắm làn nước trong xanh với những chiếc xuồng lững lờ trôi khiến ta có cảm giác mọi thứ nơi đây đều chậm rãi, thong dong như cuộc sống của người dân bản địa.
Bên cạnh đó, du khách có thể trải nghiệm thả câu, giăng lưới bắt cá linh, hái bông điên điển với người dân địa phương. Một trong những đặc sản tại búng Bình Thiên mà du khách không thể bỏ qua là các món ăn đồng quê, như: bông súng bóp gỏi, chuột đồng chiên sả ớt, cá linh kho tiêu, lẩu cá linh bông điên điển, lẩu mắm bông điên điển, chả cá linh… hay các món ăn truyền thống của người Chăm như: cà búa, lạp xưởng bò.
Chú Ngô Văn Sĩ (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Khi chưa đến mùa nước tôi làm ruộng nhưng mùa này, nước về trắng đồng, những lão nông giống tôi lại thích chèo xuồng rong ruổi trên những cánh đồng ngập lũ, kéo lưới tìm mớ cá, tép nấu bữa cơm cho gia đình. Nếu được nhiều thì mang ra chợ bán cũng vài chục ngàn đồng. Có hôm được nhiều thì bán cũng gần 200.000 đồng. Nhờ đó, vừa có thêm ít tiền để trang trải cuộc sống, vừa giải khuây trong lúc nông nhàn”.
Vào mùa nước nổi, lúc sáng sớm, từ chợ quê đến chợ thành thị có rất nhiều thủy sản người dân đem bán sau khi giăng lưới, đổ lọp, đổ dớn. Cá được bà con đánh bắt sẽ được mang ra chợ bán, hoặc làm mắm, xẻ phơi khô để ăn dần. Không chỉ đem lại sức sống mới cho bà con nông dân nơi đây, mỗi mùa nước về còn đem đến cho người miền Tây nhiều món đặc sản dân dã, như: cá linh, cá rô, cá bông lau, chuột đồng, ếch, cua đồng, lươn, lịch… cho đến các loại rau thủy sinh, như: bông điên điển, bông sung, rau dừa nước…
Đặc biệt, chỉ với con cá linh, người dân quê tôi chế biến ra nhiều món ngon, hấp dẫn, như: cá linh non kho xả ớt, cá linh non chiên bột, cá linh nấu canh chua, ăn với lẩu mắm. Cá linh lớn chiên giòn, nướng mọi ăn kèm nước mắm me, rau sống. Một trong những món ăn bình dị nhưng lại là đặc sản nổi tiếng, chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương vị, đó chính là lẩu mắm thập cẩm (gồm cá linh, lươn đồng, cá bông lau, cá rô mề…), ăn cùng bông điên điển, bông súng, cù nèo, rau dừa nước, rau đắng…
Nói đến hoạt động du lịch sông nước tại An Giang, du khách sẽ không thể bỏ qua lòng hồ Tân Trung (Phú Tân). Mùa nước nổi, cù lao này gần như biến mất để những ngôi nhà nằm giữa bốn bề là nước. Du khách có thể dạo quanh lòng hồ ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ, trải nghiệm cuộc sống đời thường của những người nông dân thật thà, chất phác.
Đặc biệt, du khách có thể trải nghiệm hoạt động chèo xuồng hái ấu, hái bông điên điển, bắt ốc, đổ dớn, thả lưới, câu cá… hay tìm hiểu về các làng nghề truyền thống, cơ sở thờ tự đặc trưng của huyện Phú Tân, như: An Hòa tự, thánh thất Cao Đài cùng những ngôi đình thần mang kiến trúc văn hóa - nghệ thuật độc đáo.
Với nét đẹp chân chất, mộc mạc, mùa nước nổi ở An Giang bao giờ cũng mang đến những trải nghiệm không thể nào quên cho du khách. Bởi thế, nếu có dịp về với vùng đất này, bạn hãy thử một lần trải nghiệm mùa nước nổi miền Tây rất đỗi bình dị mà để thương, để nhớ!
Vietnam Beauty tổng hợp từ Báo An Giang