Mông, Dao Đỏ, Giáy là ba dân tộc thiểu số sinh sống đông nhất ở Sapa, Lào Cai. Mỗi dân tộc mang trong mình những nét đặc sắc về văn hóa và sức hấp dẫn riêng có. ​Trong đó phải kể đến Bản Khoang - nơi quần tụ rất đông dân tộc Dao đỏ với phong tục truyền thống đáng để du khách ghé tới tìm hiểu.

Người Dao Đỏ ở Bản Khoang - Sapa (Lào Cai). Ảnh: Nguyễn Văn Luận

“Sapa đồi núi hồn nhiên

Trập trùng thửa ruộng lạc miền bậc thang

Xa xa thung lũng tơ vàng

Như trôi vào chốn bạt ngàn xứ tiên”.

Người phụ nữ dân tộc Dao Đỏ (sống ở Bản Khoang – Lào Cai) tươi cười trong trang phục truyền thống, hiện lên sống động qua ống kính của nhiếp ảnh gia tài năng Nguyễn Văn Luận.

Vùng đất Sapa quả là rất xứng đáng được viễn khách tặng lại những câu thơ này. Rời xa phố thị ồn ào, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi trước mắt là con đường trải dài hai bên là những thửa ruộng bậc thang đang độ chín vàng.

Ruộng bậc thang. Ảnh: Nguyễn Văn Luận

Khi bạn xuống xe ngay đầu bản, người Dao Đỏ đã thể hiện lòng mến khách bằng nụ cười và những câu chào hỏi tíu tít, mời khách ghé thăm và giới thiệu những nét văn hóa của dân tộc họ thể hiện ngay trong cách bố trí và sắp xếp các dụng cụ.

Ảnh: Nguyễn Văn Luận

“Qua tiếp xúc, thấy người Dao Đỏ sống ở bản Khoang, tỉnh Lào Cai sống giản dị, những con người chân thật, gần gũi, nhưng để có góc ảnh đẹp tôi tốn khá nhiều công sức làm quen, làm thân và ‘set’ máy” - Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Luận chia sẻ.

Ảnh: Nguyễn Văn Luận

Người Dao thường xây nhà theo ba loại hình: nhà đất, nhà sàn và nhà nửa sàn - nửa đất, nhưng phần lớn người Dao Đỏ ngụ ở bản Khoang lại rất chuộng nhà đất với ba hoặc năm gian đứng (không có chái). Người ta cho rằng có ở nhà nền đất thì mới có chỗ để cúng Bàn vương.

Ảnh: Nguyễn Văn Luận

Người Dao Đỏ thường sinh sống hai ba thế hệ trong một ngôi nhà gỗ nhiều gian. Trong đó, họ bố trí hai bếp, một bếp chính để nấu ăn và một bếp phụ ngay gần cửa để sưởi ấm mùa lạnh giá.

Những phụ nữ người Dao Đỏ may vá bên bếp lửa hồng. Ảnh: Trăng Mùa Thu.

Ở một vài góc gian giữa, không khó để bạn nhận ra những loại rau củ quả mà người dân trữ sẵn để sử dụng dần. Còn phía trên gác nhà xếp rất nhiều ngô để ăn trong năm vì mỗi năm họ chỉ thu hoạch được một vụ ngô mà thôi.

Ảnh: Nguyễn Văn Luận

Ngoài công việc chính một năm một vụ trồng ngô và hai mùa lúa, những phụ nữ Dao Đỏ ở nhà dệt đồ thổ cẩm hoặc hái lá thuốc trên rừng để biến chúng thành sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch muôn phương đổ về.

Từ xưa, người Dao Đỏ thường dùng những vị thuốc lá từ trên rừng về nấu nước tắm vào ngày cuối năm để đón năm mới. Nhận thấy việc tắm lá thuốc có tác dụng tốt cho sức khỏe, nhiều người dân đã linh hoạt mở dịch vụ tắm tại bản hoặc bán lá thuốc cho khách du lịch mang về.

Hai mẹ con người Dao Đỏ. Ảnh: Trăng Mùa Thu

Người dân tộc Dao Đỏ thường sử dụng một số họ phổ biến là Lý, Tẩn, Phan, Lò… và cách đặt tên đệm và tên chính cũng theo quy ước nhất định. Trong mọi gia đình, các con gái có tên đệm theo thứ tự: con gái đầu có tên đệm là Tả, tên đệm của người tiếp theo là Lở, tiếp theo là San, Sử, Mán. Chẳng hạn, bà Lý Tả Mẻ là con gái đầu của gia đình nên bà có tên đệm giữa là “Tả”, em gái bà là Lý Lở Mẻ…

Đối với con trai, cách đặt này có chút hoán đổi vị trí. Sự phân biệt tên gọi của các anh em trai trong gia đình cũng giống như con gái theo thứ tự: Tả, Lở, San, Sử, Mán… nhưng những chữ này lại nằm ở cuối tên - có thể coi là tên chính của họ. Giả sử trong gia đình có ba anh em trai, tên của họ lần lượt sẽ là Lò Láo Tả, Lò Láo Lở, Lò Láo San…

Ảnh: Nguyễn Văn Luận

Ngoài những đặc sắc kể trên, điều dễ thấy nhất trong văn hóa dân tộc này thể hiện ngay ở trang phục truyền thống của họ. Tất cả những bộ quần áo hay khăn quấn đầu đều do chính đôi bàn tay những phụ nữ nơi đây đan, dệt nên.

Ảnh: Nguyễn Văn Luận

Đến với Bản Khoang du khách còn được thưởng thức món bánh nhọn. Đây là món ăn ngon, độc đáo của người Dao Đỏ ở Bản Khoang, được làm cả 4 mùa trong năm để dâng cúng tổ tiên và sử dụng dịp lễ hoặc tiếp khách.

Ảnh: Nguyễn Văn Luận

Bánh nhọn sau khi luộc chín, màu vỏ lá gói bên ngoài ngả sang màu vàng, khi ăn, có thể dùng dây lạt gói bánh cắt lát thành từng miếng hoặc để nguyên chiếc. Bánh nhọn đen khi chín có màu đen, hạt gạo dền đều xếp dính vào nhau, ăn có vị thơm của gạo nếp, mùi thơm của thịt và dậy mùi thơm của thảo quả có tính nóng làm ấm bụng. Đối với bánh dâng cúng tổ tiên, khi cúng xong mang xuống ăn, người ta thường chấm với mật đường hoặc ăn không đều rất ngon, đặc biệt có thể cảm nhận được mùi vị của lá chít.

Ảnh: Nguyễn Văn Luận

Với nếp sống bình dị quanh bản làng yên an, bên bếp củi truyền thống, trong ngôi nhà đất quần tụ nhiều thế hệ, những người dân Dao Đỏ luôn cởi mở đón những lượt khách du lịch cùng mong muốn được tiếp xúc với những gì mới hơn, khác hơn và có thể cải thiện cuộc sống của mình nhờ những dịch vụ du lịch thân thiện nơi đây.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Văn Luận – Trăng Mùa Thu