Con lịch thường sống ở nước mặn ven các con sông, kênh rạch, có nhiều ở các huyện: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển…

Đặc biệt ở vùng bãi bồi Mũi Cà Mau, con lịch lớn nhất cỡ 300g, toàn thân có màu vàng đen và nhiều nhớt. Con lịch rất khó bắt, do tập tính sống trốn dưới bùn sâu, dưới rễ cây. Lịch có quanh năm, nhưng bắt dễ nhất là lúc nước ròng trơ bãi. Bắt lịch thì có nhiều cách, phổ biến nhất vẫn là câu, vì câu là cách bắt được nhiều, mà lịch câu cũng sống được lâu ngày. Còn thụt lịch thì chỉ người bắt lịch chuyên nghiệp mới dùng cách này. Ngoài ra, người ta cũng có thể quào, cách này bắt dính nhiều, nhưng lịch bị thương, dễ chết.

Cách mắc mồi câu.

Trước đây, ở miệt quê con lịch nhiều vô số, đi câu lịch chỉ làm mồi cho cua ăn, hoặc là thú vui những lúc nhàn rỗi, để đổi món trong bữa cơm thường ngày, chứ buôn bán chẳng được bao nhiêu. Còn hiện nay, nhờ giá cao nên mọi người đổ xô đi bắt lịch.

Lịch cắn mồi.

Theo chị Lâm Thị Thân (ấp Tân An, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi), người có trên 20 năm làm nghề câu lịch, cho biết: Trước đây, con lịch nhiều vô số kể, một ngày câu có khi 5 - 7kg, nhưng giá bấp bênh nên thu nhập chẳng là bao. Nay thì số lượng lịch giảm nhiều, một ngày câu từ 1,5 - 2kg, thu nhập 120 - 150 ngàn đồng/ngày.

CHUYỆN NGHỀ THỤT LỊCH

Người làm nghề thụt lịch xứ Cà Mau hồi giờ lấy công sức và kinh nghiệm kiếm tiền chứ không bỏ vốn. Lịch thường sống trong các vuông tôm, mà lịch rất thích ăn tôm, cua nên vuông nào có lịch là tôm cua thả bị thất thoát nhiều. Vì vậy, chủ vuông cho người thụt lịch vào thụt mà không lấy tiền. Khi thụt có lịch, người thụt đưa lại chủ nhà một ít để ăn, còn lại mang về bán. Vậy là vừa có lợi cho chủ vuông, vừa được cho người thụt lịch.

Nơi bãi bồi, dưới chân rễ mắm, đước là nơi lý tưởng để lịch sinh sống.

Anh Đặng Vũ Hùng, ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP. Cà Mau cho rằng có những vuông nhiều lịch, chỉ cần vài tiếng, anh thu hoạch 9-10kg, có khi hơn 10 kg lịch. “Hôm trước tôi xin vào thụt lịch vuông của một bác ở Đầm Dơi. Bác đó nói, hồi giờ chưa cho ai vào thụt. Bữa đó tôi thụt từ hơn 7 giờ sáng đến 10 giờ, bỏ lên cân được 21 kg, lịch to 2-3 con/kg. Ông già ngạc nhiên nói bái phục tôi luôn. Xứ này chưa thấy ai thụt nhanh mà nhiều như vậy”, anh Hùng kể.

Mọi người kể, mỗi ngày anh Hùng đem lịch lên vựa trên chợ Tắc Vân cân, mấy người cùng nghề được chừng 3-4 kg là cao, còn anh đều đều 5-7 kg, có hôm cả chục, mười mấy ký. Đồng nghiệp cùng nghề cứ nhìn anh xuýt xoa ngưỡng mộ.

Cách bắt, giữ lịch cho chặt.

Chỉ cần 1 cal nhựa cột cọng dây ngang hông và đôi bàn tay điêu luyện là đủ để anh Hùng hành nghề. Quan sát anh “mò mẫm” dưới vuông chưa đầy 15 phút đã bắt được tới mấy con lịch, tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục. Hỏi anh bí quyết, anh chia sẻ: “Cũng chỉ là kinh nghiệm”. Lịch thường làm hang khoảng 1 m, có 3 ngách.

Theo kinh nghiệm của anh, chỉ cần thọc vào ngách thứ nhất đến ngã rẽ, nếu là vuông tát hết nước thì nhìn nước ở ngách nào giựt xuống một xíu là lịch nằm ngách đó (có lẽ lịch nghe động trở mình), chỉ việc chặn đầu ngách là bắt. Nếu là vuông ngập nước thì cảm nhận bằng ngón tay, nghe nước trong ngách đó hơi động đậy một xíu. “Nếu không kinh nghiệm thì phải mò đến 2 ngách còn lại, vừa mất thời gian và đôi khi lịch lại chui trốn mất không định hướng được”, anh Hùng chia sẻ.

Chị Lâm Thị Thân, người có hơn 20 năm sống bằng nghề câu lịch.

Vuông tát cạn nước hay vuông đầy nước đều không cản trở anh hành nghề. Nếu vuông cạn nước, nhìn thấy hang thì thụt nhanh hơn. Vuông sâu thì phải quờ tìm, mò mẫm tốn nhiều thời gian. Cũng theo anh Hùng, thường vuông nào có nhiều sình thì có rất nhiều lịch vì bãi sình là nơi rất “êm” để lịch trú ngụ.

Làm sao để phân biệt hang lịch? Thắc mắc của tôi được anh Hùng giải thích: “Thường miệng hang lịch hơi xéo như đầu con lịch. Trên cạn thì dễ nhìn, còn dưới nước thì phải vận dụng kinh nghiệm”. Có lẽ đây cũng là chỗ “đẳng cấp”, nên anh bảo, thấy anh mò, nhiều bạn bè, người quen ham cũng theo anh học, nhưng không ai theo nghề được.

Nguồn trích dẫn: Huyền Anh/ Báo Cà Mau

Link bài gốc: http://www.baocamau.com.vn/trai-nghiem/de-nhat-thut-lich-xu-ca-mau-59178.html