Người dân địa phương gọi là Hòn Yến vì ngày xưa nơi này có nhiều chim yến về làm tổ. Quần thể Hòn Yến gồm Hòn Yến, Hòn Sụn, Bàn Than, Gành Yến, Hòn Choi, Vũng Choi, tạo thành một quần thể thắng cảnh tự nhiên bên bờ biển, được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia năm 2018. Trong đó, Hòn Yến là điểm nhấn nổi bật của quần thể. Từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm là mùa đẹp nhất ở nơi đây. Vào mùa này biển Hòn Yến rất đẹp, nước xanh ngắt và thay đổi màu sắc thường xuyên nhờ ánh nắng.

Vựa nuôi tôm hùm nhìn từ trên cao của người dân ở khu vực Hòn Yến, huyện Tuy An.

Bờ biển ở đây vẫn còn nguyên sơ, các cây bàng, cây phi lao, cây xương rồng mọc lên cùng nắng và gió. Theo truyền thuyết, nơi này từng là một đảo xa ngoài biển, trải qua thăng trầm của thời gian, cát xâm lấn biển và ngày nay hòn đảo ở gần ở khoảng vài chục mét.

Hòn Yến còn được biết đến là nơi nuôi tôm hùm giống của Phú Yên. Những chiếc lồng nuôi tôm hùm hình vuông đầy màu sắc, khi nhìn từ trên cao chúng tạo nên những mảng màu tuyệt đẹp giống như những tấm vải thổ cẩm.

Được biết, tôm hùm được nuôi ở đây là tôm hùm bông, tôm hùm xanh và những con tôm giống chỉ nhỏ bằng ngón tay. Theo những ngư dân tại đây, có thể cho tôm ăn 2 lần/ngày nhưng phải đặc biệt chú ý phải cho ăn vào buổi sáng sớm và chiều tối. Chính vì vậy, nghề nuôi tôm hùm khá công phu, ngư dân luôn phải chú ý vào các thời điểm khác nhau để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Ngoài ra, quá trình lột xác của con tôm phụ thuộc vào con nước, thường thì tôm luôn lột xác nhiều vào cuối kỳ con nước lớn.

Hệ thống lồng nuôi tôm hùm nhìn từ trên cao của người dân ở địa danh Hòn Yến, huyện Tuy An.

Dành hơn cả tháng trời để cùng theo chân các ngư dân nuôi tôm hùm tại Hòn Yến, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Hoài cho biết nghề nào cũng có cái cực cái khổ của nghề đó, chứng kiến các ngư dân hàng ngày phải lặn, rồi ngâm mình trong làn nước biển lạnh ngắt, nhất là khi bình minh chưa ló dạng, hay đêm tối mịt, mới cảm nhận được cái nghề này sao vất vả đến vậy. Có năm một số ngư dân trúng mùa khi thời tiết thuận lợi thì còn có thu nhập gia tăng kinh tế, chăm lo đời sống gia đình. Nếu như năm nào thời tiết mua bão thất thường thì coi như trắng tay, phải đi vay mượn khắp nơi để có tiền lo cho mùa vụ tiếp theo.

"Cũng biết là sẽ đối diện với nhiều khó khăn nhưng muốn thử sức mình và tìm hiểu thật sự đời sống ngư dân nuôi tôm hùm ở Hòn Yến nên mới quyết định thực hiện bộ ảnh này. Cứ mỗi những ngày cuối tuần là lặn lội chạy xe máy vào tận Phú Yên, theo chân một số ngư dân ra tận các lồng tôm, nơi mực nước cũng khá sâu. Rồi liên tục phải lặn biển cùng họ để chụp những khoảnh khắc cho tôm hùm ăn", Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Hoài cho biết thêm.

Cũng theo anh Hoài, mỗi lần lặn chụp ảnh về là cả người rất ngứa ngáy, một khi lỡ đụng vào những mớ rong bám dính vào các lồng tôm là ngứa không chịu được. "Thật sự cũng khá đắn do và lo lắm, vì chuyến đi này nghĩ lại thấy cũng ớn lắm. Lo nhất là bộ máy ảnh đắt tiền mà phải ngâm dưới biển nhiều ngày liền rất nguy hiểm, nếu không may nước lọt vào là hư nguyên bộ", anh nói.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Hoài trong những lần đi sáng tác

Theo tìm hiểu được biết, từ một nhân viên ngân hàng, với thôi thúc của đam mê, Nguyễn Phước Hoài trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh… Làm quen với nhiếp ảnh nghệ thuật từ năm 2012, và đến nay anh đã liên tiếp gặt gái nhiều giải thưởng lớn. Điển hình như: tác phẩm “Sau cơn mưa” của Phước Hoài đã đoạt giải nhì Cuộc thi ảnh “Phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu” (do Hội VH&NT và Hội CTĐ tỉnh tổ chức); tác phẩm “Nắng sớm ở làng chài Nhơn Hải” đoạt giải nhất vòng chung kết Cuộc thi ảnh “Hành trình di sản” (do tạp chí Heritage Vietnam Airlines tổ chức); Bộ ảnh “Những sắc thái san hô Hòn Yến” được chọn tham gia Cuộc thi “Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam - 2018”… Hay như tác phẩm “Trong cơn dông” của Phước Hoài đã đoạt giải ba cuộc thi ảnh “Eye of Dragon - 2019” với chủ đề về “Môi trường” do quỹ Dragon Capital phối hợp với Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh tổ chức…

Vietnam Beauty xin trân trọng giới thiệu bộ ảnh của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Hoài:



Hệ thống lồng nuôi tôm hùm nhìn từ trên cao của người dân ở địa danh Hòn Yến, huyện Tuy An.
Cho tôm hùm ăn



Phải lặn sâu và chui vào các lồng tôm để có thể cho tôm ăn


Thường các ngư dân cho tôm hùm ăn rất sớm