Cùng đi qua tháng năm thịnh suy của mảnh đất này, nghề muối Tuyết Diêm cũng nếm trải nhiều nhọc nhằn cay đắng. Hình thành từ những năm 1870, muối Tuyết Diêm hay còn gọi là muối Cù Mông đã nức tiếng xa gần. Muối ở đây mịn trắng sau khi hầm, có vị mặn đậm đà nhưng không chát.

Diêm dân tại xã Xuân Bình thu hoạch muối trên cánh đồng. Đây là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất muối hầm Tuyết Diêm

Tên gọi Tuyết Diêm có nghĩa là muối trắng như tuyết, cũng bao hàm ý nghĩa chất lượng nổi bật của muối sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ở những vùng quê khác cứ nghĩ hạt muối được lấy từ ruộng lên là sản phẩm cuối cùng của hạt muối, nhưng với người dân thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu thì những hạt muối trắng từ ruộng chưa phải là sản phẩm cuối cùng.


Công việc bắt đầu từ 12h đêm đến 6h sáng, ngày nào cũng như ngày nào. Tôi hỏi mấy cô sao không làm buổi ngày cho khỏe? Nhưng với cái nắng gió của miền Trung, cộng với sức nóng cả trăm độ của lò đốt thì làm đêm sẽ bớt nhọc nhằn hơn cho mọi người.

Sắp đặt các chậu muối hạt vào lò để chuẩn bị hầm mẻ muối mới

12h đêm các cô chú sẽ dỡ muối đốt từ đêm hôm trước ra khỏi lò, chuẩn bị đưa muối mới vào để hầm.

Xếp muối vào lò hầm cũng là một nghệ thuật mà người có kinh nghiệm mới biết được cần bao nhiêu chậu, vị trí trên dưới to nhỏ thế nào để lửa có thể cháy đều đến giữa lò, cháy mạnh không tắt. Lửa sẽ được đốt và giữ liên tục đến tận 6h sáng thì hoàn thành một ngày làm việc.

Nói thì nghe đơn giản nhưng tôi thấy cực lắm, mồ hôi mẹ mồ hôi con tươm ra như tắm. Lúc tôi đứng gần lò, lửa táp vào mặt muốn cháy da, hơi muối bốc lên dính đầy quần áo, mặt mũi khiến con mắt cay xè và bờ môi mặn chát.

Bốn con người không ai bảo ai, thuần thục mỗi người một việc, luôn tay luôn chân không thấy lúc nào ngơi nghỉ: khiêng muối, chất muối, đốt lò, sàng muối, vác củi, canh lửa, ràng các chậu hư hỏng để tái sử dụng, rồi xay và đóng bao... Cô bảo: “làm nhanh không kịp trời sáng”.

Nổi lửa bắt đầu việc hầm muối trong lò
Lấp than đỏ hồng trên miệng lò để muối được chín đều

Làm thì cực lắm nhưng giá trị hạt muối được tăng thêm chút ít, nghĩa là bán giá cao hơn.

Muối tươi ngoài đồng chưa đến 1 ngàn 1 kí, rẻ đến mức không ai muốn làm tiếp vì quá cực, mấy đứa trẻ thì bỏ nghiệp rồi tha hương, ruộng đồng ngày một thu hẹp.

Muối sau khi hầm, hạt muối trắng tinh, mịn màng như xay, vị cũng bớt mặn hơn nhiều, ngon hơn và có thể để cả năm vẫn khô ráo. Vì thế, giá muối hầm nhỉnh lên đến 4 hoặc 5 ngàn tuỳ theo thời điểm.

Tôi hỏi mấy cô chú làm nghề được bao nhiêu năm rồi? Chẳng ai nhớ nổi cái nghề có từ năm nào, chỉ biết từ hồi ông, hồi bà mấy đời để lại.

Cô thì làm từ hồi mười mấy tuổi, rồi đến lúc lấy chồng, sinh con vẫn còn làm. Năm nay cũng hơn năm mươi ngoài.

Chú thì cũng chẳng nhớ rõ năm nào, từ hồi biết đi làm là đã theo nghề đến nay đầu hai thứ tóc, khuya nào cũng đều đặn chạy chiếc xe đạp chừng 30 phút đến lò, sáng sớm mới về. Bữa nào mệt quá thì nghỉ ở nhà, mà ở nhà thì không có lương nên cũng phải ráng, cứ như thế cũng ngót nghét ba bốn mươi năm gì đó.

Tiền công một đêm giao động trong khoảng 100 đến 150 ngàn thôi. Cái nghề cực, cô chú cũng mong muốn làm cái gì khác cho khá hơn nhưng cũng chẳng biết phải làm nghề nào nữa.

Mình thì hiểu điều này, ở quê chỉ quanh đi quẩn lại vài ba việc vậy thôi, muốn thay đổi lắm cũng không có thêm lựa chọn nào để thoát ra cả. Đói thì chưa đói nhưng chẳng có tiền để xài, đau ốm bệnh tật là chịu vậy chứ đâu dám đến bệnh viện khám.

Làng nghề truyền thống, ở xa về nhìn thì thấy lạ, thích con mắt chút xíu chứ người dân làm thì khổ lắm mà chẳng biết khi nào cái của kiếm được xứng đáng với cái công bỏ ra cả. Vì thế các làng nghề cứ ngày một hẹp dần, nguyên tỉnh bây giờ co cụm lại chỉ chừng 4,5 lò vẫn còn hoạt động. Tương lai, số phận cũng chẳng ai biết thế nào khi người trẻ họ không theo nghề, người già ngày càng yếu và ruộng muối lại mất đi từng ngày một.

Muối hầm được các công nhân tập trung tại một khu vực khô ráo bên trong các lò hầm để tiến hành các bước tiếp theo như sàn lọc, đóng bao...

Dẫu qua nhiều thăng trầm thay đổi của mãnh đất Sông Cầu nhưng nghề muối hầm của Tuyết Diêm vẫn hằng đêm đỏ lửa, những hạt muối thô kệch qua lửa đã trỡ thành những hạt bụi trắng li ti mỏng manh. Những hạt muối được rèn qua lửa lò sẽ không dễ dàng tan biến đi như làn bụi mỏng, cũng như thương hiệu muối Tuyết Diêm sẽ lại nức tiếng gần xa./.

Ấm nước sôi để pha trà uống trong thời gian hầm muối là thứ không thể thiếu