Sau khi hoàn thành chuyến xuyên Việt trong 28 ngày, từ thành phố Hồ Chí Minh đến Lũng Cú Hà Giang, nhiếp ảnh gia Nhân Võ, sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, đã đúc kết được những kinh nghiệm hữu ích để chia sẻ cùng bạn bè yêu thích du lịch bụi bằng xe máy, nhất là những chuyến đi Xuyên Việt.

Nhiếp ảnh gia Nhân Võ chụp hình cùng cột mốc số 0 tại Hà Giang.

"Thanh xuân của tuổi trẻ chỉ có một lần. Vì vậy hãy sống làm sao để không hối tiếc cho tuổi trẻ này.

Một chuyến đi xuyên Việt không có thành tích đi nhanh nhất, cũng không có thành tích đi nhiều nơi nhất, mà chỉ có nhiều sự trải nghiệm nhất. Hành trình chỉ gói gọn trong 28 ngày nhưng cũng đủ để lòng cảm thấy tuổi trẻ này thật đáng giá biết bao." - Nhân Võ chia sẻ thêm.

1. Lịch trình:

Trước chuyến đi nên nghiên cứu tìm hiểu thật kỹ về lịch trình mình sẽ đi. Đi trong bao lâu, theo mình thì nếu có thời gian để đi thì nên đi lâu một chút sẽ trải nghiệm được nhiều điều hơn trong chuyến đi, mình đi gần 1 tháng những cảm thấy vẫn chưa đủ. Nên chia hành trình ra thành nhiều cung để trải nghiệm được nhiều và có thời gian nghỉ ngơi hơn. Mình thì thích trải nghiệm nên sẽ chia cung núi đèo và đường biển, thỉnh thoảng sẽ có cung offroad để tăng thêm phần thú vị cho chuyến đi.

Cánh đồng điện gió Ninh Thuận

2. Chỗ ở:

Lên kế hoạch chỗ ở theo kiểu "cuốn chiếu", tức là sẽ đề xuất kế hoạch sẽ đi đến điểm nào trước, rồi đến đó xong sẽ tìm chỗ ở cho điểm tiếp theo (tìm bằng google hoặc vào các nhóm để tìm thêm thông tin). Mục đích là để có chỗ dừng chân an toàn và gần khu vực tham quan tránh bị chặt chém chỗ ở dọc đường. Trường hợp nếu không tìm được thì có thể book nhà nghỉ hoặc khách sạn nhìn có vẻ an ninh mà vào. Nếu tiết kiệm có thể mang theo lều để trải nghiệm cảm giác ở bụi cũng là một ý kiến không tồi, tuy nhiên vẫn phải an toàn.

Tháp Trầm Hương - Nha Trang

3. Ăn uống:

Ẩm thực chiếm hơn 60% trải nghiệm của chuyến đi. Vì vậy khi đến những địa phương khác đừng quên trải nghiệm những món ăn đặc sản của địa phương, rất hấp dẫn đấy. Kinh nghiệm của mình nên chọn những quán tài xế đông vào ăn, tránh lựa chọn những quán vắng vẻ hoặc quán của 1 hãng xe riêng nào. Mỗi vùng miền sẽ có một kiểu chế biến món ăn khác nhau, bạn cứ cảm nhận nhé.

Mũi Dinh - Ninh Thuận

4. Vật dụng: 

Giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe là những thứ không thể thiếu khi ra đường. Và đừng quên chuẩn bị những vật dụng sửa chữa cần thiết và nhỏ gọn: Như kiềm, dây rút, băng keo, đèn pin, vá di động, bơm mini,... Vì trên hành trình sẽ có những chuyện không mong muốn xảy ra và chính bản thân mình sẽ là người khắc phục. Và một điều lưu ý là nên trang bị thêm đèn trợ sáng cho xe của bạn vì sẽ có những đoạn đường tối không có đèn đường và sương mù, vì vậy đây cũng là một việc quan trọng nên làm.

Vịnh Vân Phong

5. Bảo trợ:

Đồ bảo hộ và áo mưa, găng tay - bọc giày. Những món này sẽ giúp chúng ta tránh xảy ra xây sát khi gặp sự cố và vẫn đảm bảo được hành trình khi thời tiết xấu. Đồ bảo hộ thì khuyến khích nên sử dụng mũ Fullface và giáp bảo hộ tay chân, vì khi xảy ra sự cố thì những món này trở nên rất giá trị với bản thân bạn. Đừng bao giờ nghĩ nó cồng kềnh và bỏ qua nó trong chuyến đi nhé trừ khi kỹ năng của bạn quá giỏi. Áo mưa thì nên sử dụng áo mưa bộ để tránh bị tạt gió và cũng nên chuẩn bị những loại túi chuyên dụng để bọc hành lý tránh bị ướt.

Đèo Cả

6. Chi phí:

Chuẩn bị tiền mặt ít nhất là 2 triệu trong túi, tiền dự phòng có thể để trong thẻ khi đến TP lớn thì rút. Không nên để tiền mặt trong người quá nhiều và cũng không nên để quá ít tránh trường hợp xảy ra sự cố không có tiền để xoay sở vì trên đường đi sẽ rất khó để rút tiền.

Hòn Yến - Phú Yên

7. Thiết bị media: 

Camera, cam hành trình, flycam. Nếu có điều kiện thì nên đầu tư để giữ lại kỷ niệm vì những chuyến đi như thế này rất ít khi ta được trải nghiệm lại, còn nếu không có thì một chiếc điện thoại vẫn là đủ, đừng quên mang theo sạc dự phòng nhé. Quan điều trọng vẫn là có cái để lưu lại khoảnh khắc trong mỗi chuyến đi, nhớ lọc bộ nhớ trước để tránh bộ nhớ đầy sẽ rất tiếc đấy.

Chùa Cầu - Phố Cổ Hội An

8. Bảo dưỡng: 

Trước chuyến đi nên kiểm tra bảo dưỡng chiếc xe mình sẽ sử dụng thật kỹ để tránh trường hợp trục trặc mất thời gian trong hành trình di chuyển: Thắng, phanh, dầu, nhớt, xăm, lốp, bugi, dây ga, dây côn,....và cả điện xe vì nếu xe sử dụng lâu ngày dòng điện rất dễ bị sự cố nên kiểm tra.

Đèo Hải Vân

9. Quần áo: 

Tránh mang nhiều đồ dày và cồng kềnh, nên mang theo đồ gọn nhẹ và một chút màu sắc, vì khi đến những vùng cao núi bạn mặc lên sẽ rất nổi bật. Nên mang ít quần và nhiều áo để thay đổi. Kinh nghiệm của mình khi giặt đồ là khi đến nơi sẽ mang đồ bẩn đi giặt rồi trải nghiệm ở đó 1-2 ngày xong di chuyển tiếp, lúc đó ta lại có đồ mới sạch để mang theo. Có thể chuẩn bị đồ lót giấy mua trong siêu thị để dùng 1 lần cũng rất hiệu quả.

Ruộng bậc thang Tây Bắc

10. Túi y tế: 

Chuẩn bị sẵn một túi y tế riêng. Bao gồm bông băng, sát khuẩn, và một ít thuốc cảm và đau bụng. Trường hợp những ai có bệnh riêng thì mang theo thuốc để đề phòng, và cũng mang vừa đủ thôi vì ở các thành phố lớn ở các tỉnh đều có tiệm thuốc.

Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang

Và để hoàn thành được một chuyến đi Xuyên Việt dài ngày thì cũng cần có một sức khỏe dẻo dai và một ý chí đi sẽ trở về. Nên cẩn thận trong những hành động mình sẽ làm trong chuyến đi, và đối với những nơi hoang sơ thì đừng lấy đi những gì ngoài những tấm ảnh. Lưu ý những điểm thông báo bắn tốc độ, cứ quan sát xe chạy làn đối diện họ có báo điểm cho nhau hay không và quan sát xe cùng chiều chạy tốc độ thế nào mình dựa vào đó để di chuyển tránh trường hợp chốt bắt dọc đường sẽ rất mất thời gian đấy.

Mong là một chút ít kinh nghiệm mình chia sẻ sẽ góp một phần cho chuyến đi của bạn được trọn vẹn hơn. Để sau này khi hết dịch ta lại có thêm nhiều hành trình mới thú vị hơn. Và đừng quên, đi để an toàn và trở về nhé. Chúc các bạn nhiều sức khỏe vượt qua đại dịch và có nhiều hành trình mới trong thời gian tới.
Nguồn: Nhân Võ