Phượt xuyên Việt bằng xe máy là một trong những đam mê thú vị của giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên để có một lịch trình hợp lý, vừa có thể tham quan được nhiều điểm đẹp lại đủ sức khỏe và nằm trong giới hạn thời gian cho phép thì không phải ai cũng tính toán được.

Ở bài viết trước, Vietnambeauty đã giới thiệu đến mọi người “Top 10 những điều cần lưu ý cho một chuyến đi xuyên Việt”. Hôm nay, chúng tôi xin được chia sẻ thêm lịch trình cụ thể của hành trình xuyên Việt trong 28 ngày của anh Nhân Võ.
Việc lên lịch trình hợp lý là điều kiện tiên quyết cho một chuyến du lịch xuyên Việt được trọn vẹn hơn. Người lên lịch trình cần phải tìm hiểu những nét đặc trưng của những nơi mình sẽ đi qua, cân đối cùng thời gian mình muốn thực hiện chuyến đi để đưa ra được lịch trình phù hợp nhất với sở thích của bản thân để không phải tiếc nuối khi hành trình kết thúc.

Một chuyến đi xuyên Việt không có thành tích đi nhanh nhất, cũng không có thành tích đi nhiều nơi nhất, mà chỉ có nhiều sự trải nghiệm nhất. Hành trình chỉ gói gọn trong 28 ngày nhưng cũng đủ để lòng cảm thấy tuổi trẻ này thật đáng giá biết bao.” – Nhân Võ đã từng chia sẻ.
Cung 1: Sài Gòn - Bảo Lộc - Đà Lạt
Cung này chúng ta sẽ khám phá những nơi chưa đi như Linh Quy Pháp Ấn, thác Triệu Hải (có thểm cắm trại tại đây để trải nghiệm) hoặc 1 đêm ở thành phố Đà Lạt.

Cung 2: Đà Lạt - Nha Trang - Phú Yên
Cung này sẽ tập trung đi theo hướng đường ven biển. Từ Đà Lạt đổ đèo 725 xuống thành phố Nha Trang. Từ thành phố Nha Trang đổ ra Phú Yên theo đường ven biển, đường đi khá tốt và rất đẹp.


Mình sẽ ghé ở Mũi Đại Lãnh để check - in (điểm cực đông của Việt Nam). Đến Phú Yên sẽ đi các địa điểm sau: Đảo Điệp Sơn, gành Đá Dĩa, thưởng thức hương vị hải sản vùng đất hoa vàng trên cỏ xanh.


Cung 3: Phú Yên - Buôn Ma Thuột - Pleiku - Kon Tum - Gia Lai
Cung này hơi hiểm trở một chút, bù lại cảnh thì bao đẹp, nhưng khó có thể so sánh với địa hình hiểm trở ở vùng miền cao phía Bắc. Nhớ tham quan Ngã Ba Đông Dương.


Cung 4: Gia Lai - Bình Định - Quảng Ngãi - Hội An
Cung này đi trải nghiệm là chính, từ Gia Lai Kon Tum sẽ di chuyển theo đường rừng Trường Sơn. Khám phá con đường rừng hoang sơ (đường mòn Hồ Chí Minh), nơi có nhiều cảnh đẹp có thể camping ngủ qua đêm ở nơi đây. Ở Hội An thì chỉ mang tính tham quan phố cổ là chủ yếu nên không cần nhiều thời gian ở nơi này.


Ở Đà Nẵng thì tham qua các cây cầu nổi tiếng, đi bán đảo Sơn Trà, có kinh phí thì lên Bà Nà Hill trải nghiệm. Thưởng thức đặc sản, hải sản Đà Nẵng cũng khá phong phú, đặc biệt là món mì quảng ếch, bún chả cá Bà Lữ...


Đến Huế tham quan các di tích lịch sử, cung đình Huế, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, thưởng thức cafe cạnh sông Hương.


Cung 5: Huế - Đồng Hới - Quảng Bình - Phong Nha
Cung này không có gì đặc sắc nên chỉ đến điểm dừng chân là Quảng Bình tham quan động Phong Nha, dọc đường đi sẽ ghé thăm mộ Bác Giáp thắp nén hương, tham quan các hang động tự nhiên ở Phong Nha, thưởng thức vẻ đẹp của tạo hóa trong hang động.



Cung 6: Phong Nha - Hà Tĩnh - Thanh Hóa
Ở Thanh Hóa có 1 con suối rất nhiều cá là suối cá thần Cẩm Lương. Tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đẹp như tranh vẽ, vườn quốc gia Bến En. Còn muốn trải nghiệm ngủ rừng sâu hiu quạnh thì đến Thác Mây.


Cung 7: Thanh Hóa - Ninh Bình - Hà Nam - Hà Nội
Cung này sẽ ghé Ninh Bình, 1 địa điểm rất đẹp với cảnh núi hùng vĩ 2 bên, ở giữa là 1 dòng sông. Tham quan các địa điểm như chùa Bái Đính, Tràng An, vườn chim quốc gia Thung Nham, Tam Cốc, núi Non Nước... Tới đây bảo đảm các bạn sẽ mắt chữ A miệng chữ O ngay.



Ở Hà Nam cũng không có gì đặc sắc nên sẽ thẳng tiến vào thủ đô Hà Nội. Ghé Hà Nội trước tiên làm cốc chè cho ấm bụng, tối đi ăn ốc Hà Nội, lai rai bia Hà Nội trước cái đã, rồi sáng hôm sau làm bát phở Hà Nội, bún chả Hà Nội và rất nhiều món ngon khác nữa ở thủ đô. Tham quan 36 phố cổ Hà Nội rồi tiếp tục lên đường chinh phục miền cực Bắc.


Cung 8: Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng - Mèo Vạc - Đồng Văn - Hà Giang - Lũng Cú
Cung này từ Hà Nội đến Thái Nguyên thì đường xá bình thường, bắt đầu vào khu vực Cao Bằng, Mèo Vạc thì sẽ là địa hình đồi núi khá hiểm trở, nhưng anh em sẽ thích vì khá nhiều góc cua cho anh em trải nghiệm.


Lưu ý tốc độ tối đa cho cung này là 60km/h thôi nhé, chạy nhanh hơn gặp nguy hiểm khó lường vì đường đèo khá hẹp, dọc đường đi sẽ luôn bắt gặp người dân tộc vẫy tay chào, đừng quên trải nghiệm Cung Đường Hạnh Phúc.


Mọi người sẽ không thất vọng đâu khi đến được điểm cực Bắc. Trên đường đi sẽ ngang qua cao nguyên đá Đồng Văn, toàn thể khu ruộng bậc thang mùa lúa vàng tuyệt đẹp, khu di tích Mèo Vạc nổi tiếng của người dân tộc, và Tứ đại đỉnh đèo huyền thoại Mã Pì Lèng, cột cờ tổ quốc Lũng Cú - nơi giáp ranh với Trung Quốc. Có dịp anh em sẽ được trải nghiệm chợ tình nơi vùng cao.


Cung 9: Lũng Cú - Lào Cai - Sapa - Fansipan
Cung đường quyết định của tuổi trẻ, một lần trải nghiệm đứng trên nóc nhà Đông Dương cao nhất của Đông Nam Á với vị trí địa lý cao hơn 3.000 mét. Khi về già có ai hỏi mình đã đặt chân lên đó chưa thì cũng hãnh diện vỗ ngực mà nói RỒI.


Cung 10: Fan - Lai Châu - Điện Biên
Chinh phục cực Đông, Cực Bắc rồi chúng ta sẽ ghé Điện Biên chinh phục cực Tây tiếp theo. Cực Tây A Pa Chải cách rừng Điện Biên khoảng 6km.

Cung 11: Điện Biên - Sơn La - Mộc Châu - Mai Châu - Hòa Bình - Hà Nội
Cung này khá khắc nghiệt giống cung lên Lũng Cú Hà Giang nhưng cảnh đẹp mơ mộng hơn. Check - in con đường chữ S huyền thoại, hai bên đường toàn cây hoa màu và cây ăn trái. Mùa chúng tôi đi ngay mùa hoa mận, hoa đào... nên cảnh đẹp vô vàn, mây mù như tiên cảnh.


Chinh phục cột mốc A Pa Chải, tiếp đó là trở về lại thủ đô Hà Nội và gửi hành lý về lại Sài Gòn, kết thúc chuyến đi tuổi trẻ.


Nguồn: Nhân Võ