www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Tháng 5/2021, kỹ sư Nguyễn Văn Mùi quay trở lại Sa Pa sau 5 năm. Anh nhận ra một chi tiết không hề thay đổi: “Tôi sử dụng bất cứ dịch vụ du lịch nào, chỉ cần nói là đội làm cáp đều được chủ hàng giảm giá ít nhất 20%”.

Anh Mùi là một trong số hàng nghìn kỹ sư, công nhân thi công cáp treo lên đỉnh Fansipan – dự án hạ tầng du lịch lớn nhất trong lịch sử Sa Pa. Đã có rất nhiều điều diễn ra trên đất Sa Pa trong suốt 5 năm qua, với những nỗ lực của đồng bào và chính quyền nơi này, nhưng một trong những động lực quan trọng nhất cho sự đổi thay, là việc đầu tư cho hạ tầng. Và cáp treo Fansipan là một phần cốt lõi trong đó.

Khoảng cách từ cửa rừng gần nhất lên đến “nóc nhà Đông Dương” là 6,2km theo đường chim bay và 11 cây số theo đường núi. Trong quá khứ, một khách du lịch ưa mạo hiểm sẽ mất 2 ngày 1 đêm cho việc leo lên đỉnh núi này, kèm theo việc sử dụng các “porter” (người thồ hàng) địa phương.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Nhưng với cáp treo Fansipan, du khách giờ chỉ mất 15 phút để lên tới đỉnh núi. Họ không phải đi xuyên qua rừng và để lại dấu tích của mình. Dù được diễn đạt là “chinh phục” đỉnh Fansipan, nhưng toàn bộ dự án chỉ đặt đúng sáu trụ cáp (bao gồm cả 2 ga đi và đến) lên rừng Hoàng Liên, với diện tích vài trăm mét vuông.

Đó là công trình cáp treo ba dây dài nhất thế giới – một tham vọng đã khiến ngay cả các chuyên gia của Doppelmayr Garaventa, công ty sản xuất cáp treo lớn nhất thế giới, cũng phải kinh ngạc. Một trong những lý do, là ngay từ đầu, chủ đầu tư Sun Group đã xác định rằng họ sẽ không xâm phạm vào hệ sinh thái rừng Hoàng Liên, và 35.000 tấn vật liệu sẽ được vận chuyển xuyên qua rừng, thay vì chặt cây mở đường như bất kỳ dự án nào mà Doppelmayr từng thực hiện ở châu Âu.

Để có được tuyến cáp dài 6,2 km đó, hàng nghìn con người, gồm các kỹ sư, công nhân của tập đoàn Sun Group, hàng trăm “cộng tác viên” người dân tộc thiểu số, và cả chính quyền tỉnh Lào Cai-thị xã Sa Pa, đã liên tục làm việc trong hơn 800 ngày đêm, trên những vách núi dựng đứng của đỉnh Fansipan.

Cuộc trường chinh bắt đầu từ giữa năm 2013, khi Sun Group gửi các đoàn tiền trạm khảo sát tiền khả thi cho dự án.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Mùa hè năm 2013, Trịnh Văn Hà, kỹ sư trắc đạc quê Nam Định, một trong những thành viên “nòng cốt” của dự án cáp treo Bà Nà, gói ghém hành lý đi khảo sát, đo đạc địa hình cho công trình có kỷ lục dài nhất thế giới. Hãnh diện khi là những nhân sự có kinh nghiệm đầu tiên được chọn, anh cũng hồ hởi vì lần đầu tới Fansipan, dù người đất Bắc.

Hà cố gắng thu vén hành lý sao cho giản tiện và nhẹ nhất có thể. Đôi ủng đi rừng, hai bộ quần áo và một túi ngủ, anh sẵn sàng cho chuyến vượt rừng Hoàng Liên.

Khí hậu khắc nghiệt, sự phức tạp của địa hình gây trở ngại với việc khai tuyến. Không ít lần, đoàn khảo sát lạc trong rừng. “Có lần, đến trụ T3, trời nhá nhem tối, cả đoàn đi một vòng rồi lại quay về vị trí cũ. Dặn nhau không được hoảng sợ, chúng tôi đóng trại tại vị trí đó ngủ, sáng mai tính tiếp”, anh Nguyễn Khắc Hằng – kỹ sư xây dựng quê Hưng Yên, kể lại.

Không có hệ thống GPS hay điện thoại di động, hệ thống bộ đàm không sử dụng được do khoảng cách quá xa, cả đội leo toàn bộ đỉnh núi trong phạm vi 5km và đánh dấu “thủ công” bằng lá cờ trắng. Trên vai họ lỉnh kỉnh đủ máy móc. Không ít lần cả đoàn leo dây, đóng thang theo tim tuyến ở những vách núi dựng đứng. Tuyết lạnh, rêu bùn trơn trượt thử thách lòng người. Từng nhân sự động viên nhau vượt qua nỗi sợ hãi, bằng cách hình dung về hình hài tuyến cáp sau này

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Cứ thế, trong 6 tháng, đỉnh núi nào của dãy Hoàng Liên Sơn đều in dấu chân của những người kỹ sư mở đường. Ở lâu lại thành quen, khoảng thời gian “ăn dầm nằm dề” trong rừng lại giúp đoàn công tác có thêm nhiều kỹ năng sinh tồn, chẳng hạn như họ có thể phân biệt mùi rắn độc, hay cách chữa bệnh đau bụng thông thường.

Ban đầu, đoàn có ý tưởng xây dựng nhà ga đi ở bản Sín Chải. Nhưng sau quá trình khảo sát, họ chọn nhà ga Mường Hoa. Một mặt, giúp du khách phóng tầm mắt nhìn xuống những con suối uốn lượn khắp các bản làng và thung lũng Mường Hoa với những thửa ruộng bậc thang trùng điệp. Mặt khác việc xây dựng hạ tầng cũng thuận tiện hơn.

Với phương án này, du khách có cơ hội trải nghiệm từng bước chân cuối cùng để chinh phục đỉnh Fansipan, mà công trình vẫn tôn trọng địa thế vốn có của tự nhiên. “Nếu đặt dưới thấp, du khách sẽ phải leo một chặng dài, nhưng nếu đặt quá cao sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan hoang sơ”, anh Trịnh Văn Hà lý giải.

Tuyến đường cáp đi, vị trí đặt trụ, và cơ bản là bản quy hoạch 1/500 của dự án hình thành sau nửa năm mò mẫm trên những triền núi như thế. Và đó mới là lúc thử thách thực sự bắt đầu. Vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu lên Fansipan thế nào nếu không muốn xâm phạm vào hệ sinh thái rừng Hoàng Liên?

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Tháng 11/2013, quần thể cáp treo Fansipan chính thức được khởi công. Theo phương án ban đầu của các chuyên gia Doppelmayr Garaventa, công nhân Việt có thể vận chuyển vật tư bằng khinh khí cầu, trực thăng. Nhưng tất cả đều thất bại trước khí hậu và địa hình Fansipan.

“Các nước khác đều chặt cây, mở đường để thi công, việc đi tới công trường hay lắp đặt các trụ đều dùng trực thăng”, Reto Sigrist - chuyên gia của Doppelmayr Garaventa - nói, “Còn ở Fansipan, tất cả đều đi bộ trong địa hình núi non hiểm trở, toàn đèo dốc, vực sâu...”.

Hơn một năm đầu, duy nhất “sức người” được áp dụng thành công. Hàng nghìn đôi vai trần cõng, địu hàng chục ngàn tấn sắt thép, máy móc, thiết bị… cần mẫn như những “đàn kiến” men theo sườn núi.

Giải pháp khả thi nhất lúc này là xây dựng một tuyến cáp công vụ (LCS) - tuyến cáp huyết mạch vận chuyển máy móc, vật tư vật liệu cỡ lớn vào các vị trí thi công.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Tham gia vào quá trình làm cáp công vụ có Nguyễn Khắc Tưởng, quê Phù Cừ, Hưng Yên. Gia nhập công trường Fansipan khi mới lấy vợ được khoảng 4 tháng, những ngày đầu, anh thanh niên xứ nhãn lồng “ngợp” trước địa hình Fansipan. Với nhiệm vụ dọn tuyến cáp công vụ, Tưởng buộc phải đi theo đường thẳng của sợi cáp - cung đường dốc lên - xuống tiếp nối. “Hướng lên, mệt mỏi vẫn cố gắng được. Chiều về, chân chùng xuống, tôi hướng theo ánh điện ‘bò’ về lán”, anh kể. Đi cùng Tưởng có bốn người dân tộc H'mông, nhưng chỉ hai người trụ lại. Anh thừa nhận, thời gian đầu anh cũng có ý định bỏ về.

Ngày qua ngày, cơ thể dần quen với nhịp độ, những cơn đau chân của Tưởng cũng biến mất. Song những thách thức không ngơi. Ngoài ba tháng ròng chỉ ăn mì tôm và lương khô, Tưởng cũng như bất cứ ai đặt chân vào rừng Hoàng Liên, thường xuyên gặp cảnh rắn bò ngang bụng người, vắt cắn trên mặt.

Tuyến đường mà Tưởng cho là thách thức anh và cộng sự nhất là vị trí trụ T3 đến T4. Vực sâu hun hút. Lạnh cả ngày cả đêm. Mưa ẩm ướt. Chỗ ăn, ở không có. Leo lên hay leo xuống đều không khả thi. “Chưa kể, sương mù dày đặc. Tôi vừa chạy xuống thì sương thốc lên, buộc phải chạy nhanh để kịp lúc chưa mù”, Tưởng nhớ lại.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

“Ác mộng” với nhiều anh em trong giai đoạn này là sự khắc nghiệt của băng tuyết. Tháng 12 âm lịch năm 2014, tuyết rơi trắng xóa một vùng. Tuyết phủ trên cây, mỗi khi đi xuống lại tiềm ẩn nguy cơ trượt ngã hay cành khô nặng tuyết rơi vào đầu. Đêm về, Tưởng chỉ dám nằm mà không dám ngủ, thấy bạt hơi võng phải lấy que chọc cho tuyết rơi bớt.

Mì tôm, lương khô, áo mưa luôn sẵn trong balo, là vật bất ly thân của chàng trai Hưng Yên trong thời gian kéo cáp. Có ngày chán ngấy mì tôm sống, nhai lương khô bứ miệng, Tưởng tìm cách đun nước sôi bằng chính túi đựng mỳ (cho nước vào túi, để trên lửa một khoảng cách xa, nước sẽ không làm cháy túi và có thể sôi làm chín mỳ), trúc rừng non có khi là rau ăn kèm, cành già thì bẻ thành đũa. Cũng vì thế mà anh có nickname “Tarzan”.

Đầu năm 2015, những nỗ lực của đội quân Tarzan làm cáp thu được quả ngọt. Tuyến cáp LCS chuyên chở vật liệu xây dựng, hàng hóa nặng đã có chuyến đầu tiên lên đỉnh Fansipan với tốc độ 4m/s. “Lúc thử tải, cả đội vừa mừng vừa lo, chưa dám khẳng định điều gì, nếu sơ sẩy thì bao nhiêu tháng vất vả đều vứt xuống sông xuống bể. May mắn, thử tải thành công, ai cũng hân hoan, vui mừng khôn xiết”, Tưởng nói.

Sự vận hành cáp công vụ đánh dấu cột mốc quan trọng, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án và mang tới luồng sinh khí mới cho hàng nghìn công nhân. Các công nhân chính thức sống trong những ngôi “nhà nhẹ” đủ tiện nghi. Máy bơm nước được đưa vào sử dụng, chấm dứt cảnh băng rừng lội suốt hàng giờ để vận chuyển nước cho sinh hoạt. Những bữa ăn hằng ngày đầy đủ dinh dưỡng được cấp cho cán bộ, công nhân viên. “Nếu không có cáp công vụ, những cán bộ, công nhân ở đây không dám mơ tới ngày dự án thành công. Dự án không những phải lùi lại vài năm mà khả năng cao là không thể hoàn thành”, ông Phan Tất Thắng (Phó Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan Sapa) kể lại.

Tiêu chí “không xâm phạm môi trường” ảnh hưởng đến mọi quyết định cốt lõi của dự án, chi phí và cả công sức con người. Tuyến dây điện 35kV đưa ánh sáng lên đỉnh núi là một ví dụ.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Ban đầu, đội tư vấn thiết kế đề xuất tuyến dây điện đi gần đường du lịch. Song phương án này phải xuyên qua nhiều rừng già, đặc biệt ở độ cao từ 2.300m trở xuống 1.900m. Nếu thực hiện theo phương án đó, đội phải chặt nhiều cây rừng. Sau khi khảo sát, chủ đầu tư quyết định thay đổi hướng đường điện, dù biết sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ và ngân sách.

Chưa bao gồm tiêu chí đó, giải pháp kỹ thuật thuần túy vốn đã khó. Theo Trần Đình Luật, kỹ sư điện quê Lào Cai, cứ lên 100m độ cao, điện trở cách điện và tất cả đều giảm, nên việc tính toán thiết kế đều khó hơn. Ở đây, họ lại đang xây dựng dự án điện ở nơi cao nhất Việt Nam.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Một người mỗi ngày chỉ vận chuyển được khoảng 20-30kg vật liệu, nên có thời điểm, 400-500 đồng bào người dân tộc H’mông (Sa Pa) và Thái (Lai Châu) được huy động để đẩy nhanh tiến độ thi công. Giai đoạn tốn sức người nhất là tập kết vật liệu tại Trạm Tôn, sau đó là vận chuyển tới vị trí 32 móng. Mỗi móng trung bình sâu 4m, đòi hỏi 20 - 30 người đào tay bằng cuốc và xẻng.

Nhưng trong quá trình thi công, thứ khó nhất là kéo dây vì phải vượt qua các thung lũng, vượt qua những tán cây rừng khi đưa dây từ mặt đất lên cao. Cột truyền dây cũng được lắp ghép từ nhiều thanh, vận chuyển hoàn toàn bằng sức người. Ước tính mỗi cột cần 30-40 người làm liên tục trong vòng cả tháng.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Sau này, các chuyên gia Doppelmayr Garaventa tuyên bố, họ sẽ “không làm một công trình thứ hai như vậy do quá vất vả về địa hình, thời tiết, khí hậu và con người”.

Ban đầu, lúc kéo cáp công vụ gần xong, nhà ga dịch vụ cơ bản mới xong phần móng. Chứng kiến hình ảnh công nhân Việt đào thủ công, các chuyên gia ngoại nhận định, phải mất 5 năm, công trình này mới nên hình hài.

Tâm lý “không biết ngày về” không chỉ có ở những chuyên gia phương Tây chuyên làm việc trong điều kiện được hỗ trợ tối đa. Ngay cả những người đã từng chinh phục Bà Nà – một dự án cáp treo đầy thử thách khác của Sun Group cũng căng thẳng khi nhìn thấy địa hình Fansipan.

Cuối tháng 4/2014, Trần Vinh - kỹ sư cơ khí quê Quảng Nam, một trong những thành viên nòng cốt của dự án cáp treo Bà Nà, nhận nhiệm vụ mới tại công trường Fansipan. Lúc anh mới lên, vị trí ga dưới chỉ là công trường đào bới ngổn ngang. Nhìn theo hướng đỉnh Fansipan mà đồng nghiệp chỉ, anh chẳng thấy gì ngoài sương mù. “Không biết đến bao giờ, công trình này mới xong nổi”, anh Vinh tự nhủ.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Tiếp quản lại bản vẽ từ những người tiền nhiệm, anh kỹ sư Quảng Nam nhận thấy tuyến cáp treo này hoàn toàn khác những tuyến cáp treo một dây từng làm. “Với cáp treo một dây, hai trụ chỉ cách nhau 500m, còn công nghệ ba dây ít trụ hơn, có thể 2-3km mới có một trụ. Vì thế cũng đòi hỏi độ chính xác cao hơn. Độ dung sai cho phép là 2,5mm - một yêu cầu cực khó”, vị kỹ sư trẻ nhận định. Bởi vậy, họ đã mất nhiều thời gian để có được phương án thi công phối hợp giữa xây dựng và kỹ thuật công nghệ.

Không chỉ yêu cầu chính xác về thiết kế, công trình cáp treo Fansipan cũng sử dụng những loại vật liệu “độc nhất vô nhị" tại Việt Nam để thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương. Như phần thép phải đặt hàng trước ở Châu Âu, có khả năng chịu được nhiệt độ -20 độ C. Hay với bê tông, đội ngũ xây dựng đã tự nghiên cứu, bổ sung thêm chất phụ gia để tăng khả năng đông kết trong thời tiết giá lạnh. “Tiến độ không cho phép chúng tôi việc hôm nay để ngày mai. Nếu cáp công vụ hỏng thì 12h đêm cũng phải làm", Đỗ Minh Giang, quê Yên Bái, phụ trách bảo trì cáp công vụ cho biết một ngày hỏng cáp công vụ sẽ chậm tiến độ một tháng làm cáp treo.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Nguyễn Văn Mùi là phó ban phụ trách phần thô, hạ tầng công nghệ dự án. Anh nhìn thấy thách thức lớn không đến từ yêu cầu kỹ thuật mà là con người. Rất nhiều công nhân không thể thích ứng với sự khắc nghiệt của thời tiết, địa hình. Khoảng 3 tháng trước giai đoạn 30/4/2015, anh Mùi đã ký giấy cho cả nghìn người vào Vườn quốc gia Hoàng Liên, nhưng cuối cùng chỉ khoảng 100 người có thể trụ lại.

Nhờ sự tự gây áp lực ấy, các kỹ sư công nhân Việt cuối cùng cũng đáp ứng yêu cầu về thời gian của các chuyên gia quốc tế. “Khi đó, họ mới tin người Việt nói được, làm được”, phiên dịch Nguyễn Xuân Hậu tâm sự.

Trải qua chuyến hành trình 800 ngày đầy gian nan và thử thách, tháng 2/2016, tuyến cáp treo chính thức hoàn thành.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Theo ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, sự hình thành của tuyến cáp treo Fansipan nói riêng và tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng của Sun Group nói chung đã đóng góp lớn cho du lịch Sa Pa, làm thay đổi chất lượng, dịch vụ du lịch. Đồng thời, tạo nhiều việc làm và các dịch vụ phụ trợ cho người dân địa phương.

Trong một quán ăn trên phố Thạch Sơn, trung tâm thị xã Sa Pa, Giàng Seo Phử nâng niu chiếc sáo, khẽ đặt lên môi thổi những làn điệu truyền thống, truyền cảm hứng cho du khách tìm hiểu về những nét văn hóa địa phương. Rời quê hương Bắc Hà, Phử tới Sa Pa làm việc vì “dễ tìm việc và thu nhập tốt hơn”. Tại Sa Pa, những thanh niên như Giàng Seo Phử có việc làm ổn định nhờ du lịch không hiếm.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Trong vòng 3 năm từ sau khi cáp treo Sa Pa ra đời, tổng thu từ du lịch của huyện tăng gần 3 lần, đạt mức 4.000 tỷ đồng vào năm 2018. Để so sánh, thì con số đó gấp 10 lần năm 2010.

Khi khánh thành, cáp treo Fansipan được Guinness World Records ghi nhận hai kỷ lục: “Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới” và “Cáp treo ba dây dài nhất thế giới”.

“Điều tuyệt vời hơn là sau khi cáp treo Fansipan thành công, các chuyên gia quốc tế thể hiện sự tôn trọng với đội ngũ Việt Nam trong những dự án sau này, thay vì tâm lý áp đặt như trước đó", Hậu nói.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Không chỉ là sự tôn trọng dành cho kỹ thuật xây dựng của Việt Nam, hiệu ứng dây chuyền từ cáp treo đã nâng thương hiệu Sa Pa lên tầm cao mới. Cuối năm 2020, chính quyền tỉnh Phitsanulok đã làm thương hiệu cho vùng Ban Nam Chuang của mình là “Sa Pa Muang Thai” – tức là Sa Pa của Thái Lan.

Vùng Ban Nam Chuang cũng là một vùng núi với cộng đồng người Mông bản địa và những ngọn đồi ruộng bậc thang mênh mông. Việc một địa phương của Thái Lan – quốc gia có lượng khách du lịch lớn nhất Đông Nam Á – quyết định “mượn” sự chú ý dành cho Sa Pa đã đủ nói lên tầm vóc mới của thương hiệu du lịch này.

Nhưng tất nhiên, Sa Pa của Thái Lan có tất cả nhưng không có đỉnh Fansipan.

www.VietNamBeauty.com.vn
www.VietNamBeauty.com.vn

Nguồn dẫn: VnExpress.net

Link bài gốc: https://vnexpress.net/tuyen-cap-treo-fansipan-800-ngay-dem-tu-cay-dang-den-ngot-bui-4279355.html#section-4