Danh hiệu “Quê hương 5 tấn” khiến nhiều người lầm tưởng Thái Bình chỉ có ruộng lúa bạt ngàn. Tuy nhiên, vùng đất này còn được thiên nhiên ban tặng nhiều bãi biển đẹp kỳ ảo lúc bình minh và hoàng hôn như Đồng Châu, Quang Lang, Diêm Điền…

Thái Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng có địa hình bằng phẳng, với nhiều ao hồ, sông ngòi, khí hậu mát mẻ, nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhiều di tích lịch sử - văn hóa với các lễ hội dân gian đặc sắc. Khi đặt chân đến mảnh đất Thái Bình chắc chắn chúng ta sẽ vô cùng ấn tượng với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, tuy nhiên ít người biết rằng mảnh đất nơi đây cũng có biển và du lịch biển cũng là một điểm nổi bật khi nhắc đến Thái Bình.

Bãi biển Đồng Châu:

Nếu bạn có dịp ghé thăm nơi đây và muốn khám phá du lịch biển Thái Bình thì đừng bỏ qua bãi biển Đồng Châu. Nằm cách trung tâm thành phố Thái Bình 30km về hướng Đông Nam, dọc theo con đường quốc lộ 39B, bạn sẽ dễ dàng thấy được biển chỉ dẫn để đến với trung tâm du lịch biển Đồng Châu thuộc xã Đồng Minh, huyện Tiền Hải.

Bãi biển Đồng Châu, thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, cách thành phố Thái Bình gần 30 km đi theo quốc lộ 39B.

Khi đến với bãi biển Đồng Châu, bạn sẽ thực sự cảm nhận được sự trong lành, tươi mát của một vùng biển hoang sơ, rộng lớn. Bãi biển Đồng Châu vẫn không khác nhiều sau hàng chục năm vẫn nét mộc mạc của một vùng quê ven biển dù có rất nhiều dịch vụ du lịch đã mọc lên. Xuất phát từ bãi để người dân đánh bắt và khai thác thủy hải sản, tuy nhiên khi nhận thấy vẻ đẹp của bãi biển trắng mịn, bãi biển rộng lớn lộng gió, sóng êm nhẹ nhàng, người dân nơi đây đã xây dựng và biến nơi này thành bãi biển Đồng Châu để phục vụ cho nhu cầu tắm biển của du khách.

Thu vào tầm mắt khi đến biển Đồng Châu là khung cảnh những bãi biển thoai thoải trải dài với vựa nuôi ngao và các còi canh dựng đứng trên cao.

Khi đặt chân đến bãi biển Đồng Châu, bạn sẽ thấy xa xa là hình ảnh của những bãi bùn, những cô gái cặm cụi cào ngao, bóng chiều hoàng hôn buông xuống làm cho cảnh vật và con người nơi đây có một chút gì đó bình yên, nhẹ nhàng. Tháng 7, 8, 9 là thời gian phù hợp nhất để bạn ghé thăm bãi biển Đồng Châu bởi thời gian này thời tiết ít mưa bão, phù hợp cho hoạt động tắm biển và du lịch.

Vào những buổi bình minh, cả bãi biển long lanh một màu óng ả của trời và biển hòa quyện một màu đỏ hồng thắm tuyệt đẹp.

Còn đâu đó ở Đồng Châu câu hát yêu thương dạt dào của người dân miền biển:

“Anh sẽ đưa em về thăm quê hương anh nơi Tiền Hải,

Nghe sóng biển Đồng Châu vui mê mải hát bốn mùa”.

Hay:

“Em đi tắm mát về bãi biển Đồng Châu” - giai điệu nhẹ nhàng trong ca khúc “Nắng ấm quê hương” của nhạc sĩ Vĩnh An có thể cho bạn hình dung ra bức tranh về bãi biển Đồng Châu này.

Vào buổi chiều tà, nơi đây đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. Vẻ đẹp ấy đã đi vào thơ ca của các nhà văn, nhà thơ và những nhạc sỹ lớn.
Đây cũng là thời điểm mà nhiều người tìm đến Đồng Châu để “săn ảnh” bình minh tuyệt đẹp.

Bãi biển Đồng Châu có khí hậu thật trong lành, rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, đặc biệt hải sản ở đây rất ngon và rẻ. Khám phá cuộc sống miền biển Đồng Châu là một trải nghiệm không nên bỏ qua khi đến Thái Bình.

Đồng Châu với bờ biển dài, mang nhiều nét đặc trưng riêng, và hoang sơ.

Bãi biển Quang Lang:

Đến biển Quang Lang du khách sẽ bị thôi miên bởi cảnh sắc bình minh của một vùng biển hoang sơ, bình yên và rực rỡ đến lạ kỳ, bên cạnh đó, hình ảnh những ngư dân đẩy te, một cách bắt cá trên biển là vẻ đẹp đầy cuốn hút của vùng biển này.

Thuộc địa phận xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Quang Lang là bãi biển có nhiều đặc điểm tự nhiên khác biệt và thú vị so với các vùng biển khác trong cả nước. Khi thủy triều xuống, mặt nước trên bãi cát pha lẫn phù sa ngang tầm mắt cá chân trải dài mênh mông, trông như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu tạo nên một bức tranh đẹp lung linh, kỳ lạ...

Đẩy xiệp (te) là một cách đánh bắt hải sản độc đáo của cư dân vùng biển Quang Lang. Hình ảnh những ngư dân đẩy xiệp trên biển là một điểm nhấn cho vùng biển này.

Tuy mới được biết đến nhưng Quang Lang đã thu hút rất nhiều người đến khám phá, trải nghiệm. Từ 3 giờ sáng, chúng tôi đã dò dẫm trên con đường được lớp phù sa đỏ phủ dày, bàn chân lõm bõm trong nước biển săm sắp, trải dài đến hơn 2km để được mãn nhãn ngắm nhìn nơi không phân biệt chân trời hay mặt biển. Mặt biển Quang Lang lúc này như một sân khấu khổng lồ, rực rỡ. Đứng giữa nơi giao hòa giữa trời và đất ấy, cảm nhận gió biển mơn man và sự mênh mông của biển cả. Cảm xúc của tôi vỡ òa trước một bình minh rực rỡ, hun hút, bát ngát đẹp như tranh vẽ.

Hình ảnh những ngư dân đẩy xiệp đêm, một công cụ đánh bắt hải sản độc đáo trong không gian kỳ ảo hiện lên vô cùng đẹp.

Không chỉ có vậy, hình ảnh những ngư dân đẩy te từ tờ mờ sáng trên biển cũng là một trong những điểm nhấn đẹp đẽ cho vùng biển này. Nhìn người dân nơi đây đẩy te, tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng kỳ thực rất nặng vì gọng te dài, người yếu sức không thể thao tác nổi. Có tận mắt chứng kiến mới quý trọng hơn công sức lao động của người dân vùng biển. Gọng te lúc lên cao, lúc hạ xuống thấp trông như những cánh buồm no gió. Chỗ nước sâu, người đẩy te còn phải đi cà kheo để kéo te, tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động, thu hút du khách.

Xiệp là một ngư cụ cổ truyền được làm bằng 2 cây tre dài và thẳng xếp hình chữ V và căng lưới đẩy theo dọc bờ biển bắt tôm, cá.

Bãi biển Quang Lang có đặc điểm tự nhiên khá khác biệt và thú vị so với các vùng ven biển khác, độ bằng phẳng trải dài hàng chục km2, khi thủy triều xuống mặt nước trên bãi cát phù sa chỉ ngang tầm mắt cá chân, những hôm trời lặng gió thì cả bãi biển mênh mông như một tấm gương khổng lồ phản chiếu tất cả những gì phía trên xuống mặt nước tạo nên vẻ đẹp lung linh, kỳ thú...

Công cụ này khá nặng, đòi hỏi ngư dân phải có sức khoẻ tốt, có thể đứng trên đôi cà kheo cao chừng 80 cm hay có khi cao đến 2 mét ở vùng nước sâu để đẩy xiệp.

Đây cũng chính là nguồn lợi mưu sinh hàng ngày của cả làng biển Quang Lang từ ngàn đời nay, người dân ra bãi đánh bắt hải sản ven bờ như cua, cáy, móng tay, ngao vọp và dùng te để đánh bắt tôm vàng, cá đối... ở vùng nước nông.

Những ai yêu nhiếp ảnh hầu như cũng đã biết tới bãi biển này qua ảnh hoặc về tận nơi để trải nghiệm đều phải ngỡ ngàng và ấn tượng trước những hôm bình minh lung linh, huyền ảo cùng với hình ảnh những con người lam lũ, vất vả mưu sinh...

Dưới ánh bình minh rực rỡ, từng động tác mưu sinh thường nhật của người dân tạo thành những nét đẹp kỳ ảo vẽ vào mặt biển và nền trời. Những người đàn ông da sạm nắng gió giống như các “vũ công” nhảy múa trên mặt biển.

Trở về từ biển, dù thu hoạch được ít hay nhiều, nhưng họ đều vui vẻ với một ngày làm việc. Với họ, ra biển sớm không chỉ là mưu sinh, mà còn là tình yêu đối với vùng đất nơi mình đang sinh sống.

Quang Lang có cảnh sắc độc đáo bởi hướng mặt trời mọc vào mỗi rạng đông làm cho không gian trời và đất như hoà quyện làm một. Vào thời điểm đó, những hoạt động mưu sinh của người dân trên biển hiện lên tựa như bức tranh thuỷ mặc.

Trước ánh bình minh, những người ngư dân đẩy xiệp đẹp như một bức tranh rạng rỡ và sinh động. Đây cũng là thời khắc hiếm hoi để những người yêu ảnh chớp lấy những bức ảnh độc đáo.

Ngoài việc sinh sống bằng nghề đánh bắt, người dân vùng biển Quang Lang còn có thêm nghề dệt chiếu, nuôi tằm lấy tơ, chạm trổ đồng… Đến với vùng biển Quang Lang, du khách sẽ được chứng kiến một vùng biển đẹp, bình yên, hoang sơ và khác biệt.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Vũ Hà Nam