Hệ thống lò gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Dân gian thường hay gọi nơi đây là "vương quốc gạch ngói/lò gạch". Ông Năm Lớn (ông Lê Văn Lớn, 72 tuổi, xã Nhơn Phú, Mang Thít) có hơn 40 năm làm nghề gạch, cho biết ở thời điểm thịnh vượng "vương quốc" gạch có hơn 2.800 lò nung. Bây giờ chỉ còn khoảng 1.000 lò, trong đó chỉ 30 lò thường xuyên đỏ lửa, còn lại đang bỏ hoang phế chờ thời làm du lịch.
Làng nghề nằm dọc ven sông Cổ Chiên, kênh Thầy Cai. Ngay từ đầu làng đã có thể thấy những lò nung đỏ au, trên nền xanh đất trời tạo nên một bức tranh rất đỗi thân thương. Thời hoàng kim - những năm 1980, cả "vương quốc" có trên dưới 1.000 cơ sở sản xuất với khoảng 3.000 miệng lò. Chi phí sản xuất lúc đó thấp do sử dụng than và trấu là chính. Theo các nghệ nhân truyền tai nhau, từ đầu thế kỷ 20, sản phẩm gạch ngói Mang Thít đã vượt trội về mặt chất lượng nhờ vào nguồn đất sét tự nhiên cùng kỹ thuật nung nấu đặc trưng. Cuộc sống của bà con làng nghề gắn liền với từng viên gạch nung đỏ, nhiều thế hệ trưởng thành, được ăn học chu đáo cũng nhờ vào gạch, gốm.
Hình dáng lò gạch ở Mang Thít, Vĩnh Long cũng giống như các nơi khác của miền Tây. Với độ cao từ 9 – 13m, các lò nung gạch gốm thường là hình trụ tròn, đường kính tầm 6 – 8m, dưới phình to – trên thu nhỏ dần, nhìn từ xa trông giống các tháp của người Chăm. Chất liệu để làm nên các lò này cũng là bằng gạch, với số lượng hàng trăm nghìn viên xây xếp chồng lên nhau và mất khoảng nửa tháng để hoàn thành.
Làng nghề thời hưng thịnh ngày nào cũng rực lửa, ghe chở hàng, ghe chở nguyên liệu đến và đi đậu kín cả dòng sông. Hầu hết sản phẩm tại đây đều được vận chuyển bằng ghe ngược xuôi đi khắp xứ, đồng thời còn xuất khẩu sang một số nước như Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan. Một chủ lò ở đây kể rằng thời gian cho gạch mới làm vào đầy miệng lo phải mất hơn nữa tháng, sau đó nung đỏ lửa liên tục 24/24 giờ cũng mất thêm 2 tuần nữa. Sau d8o1, người ta phải đợi thêm từ 12-20 ngày để đợi cho lò nguội mới lấy từng viên gạch ra. Như vậy, để có được những viên gạch đỏ đạt chất lượng tốt cho xây dựng thì phải mất từ một tháng đến 45 ngày.

Những sản phẩm gốm nhung từ đất sét ở đây được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp giấy chứng nhận "Gốm đỏ Vĩnh Long". Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc gạch gốm” Mang Thít trở thành một quần thể di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt xây dựng Đề án di sản đương đại Mang Thít với kinh phí gần 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa xây dựng “Vương quốc gạch gốm” Mang Thít trở thành một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng.



